Vì Sao Con Người Sống Trong Hận Thù

 

 

 

Sakka (Trời Đế Thích), là vị Thiên chủ của Chư Thiên hỏi Thế Tôn: "Chúng sanh mong ước không oán ghét, không làm hại, không chống đối nhau hay hận thù nhau, họ mong ước sống trong an bình; tuy vậy, họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau và coi nhau như kẻ thù. Bạch Thế Tôn, do bị trói buộc bởi những kiết sử nào khiến họ sống như vậy?"

Thế Tôn trả lời: "Này Sakka Thiên chủ, chính là do đố kỵ và keo kiệt đã trói buộc chúng sanh như vậy, mặc dù họ muốn sống không oán ghét, không chống đối nhau hay hận thù nhau và muốn sống trong hòa bình; tuy nhiên, họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau và coi nhau như kẻ thù."

Đây là câu trả lời của Thế Tôn, và Sakka Thiên chủ vui mừng thốt lên rằng: "Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch đấng Thiện Thệ! Qua câu trả lời của Thế Tôn, con đã hết nghi ngờ và giải tỏa hết sự hoan mang."

Sau khi bày tỏ lòng hoan hỷ, Thiên chủ Sakka hỏi câu thứ hai: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì phát sanh đố kỵ và keo kiệt, nghuồn gốc chúng từ đâu, chúng tập khởi như thế nào, làm thế nào để chúng phát sinh? Khi cái gì có mặt thì chúng sanh khởi, khi cái gì không có mặt thì chúng không sinh khởi?"

Này Thiên chủ, đố kỵ và keo kiệt phát sinh từ yêu ghét, đây là nguồn gốc, đây là cách chúng tập khởi, là cách chúng phát sinh. Khi yêu ghét có mặt thì chúng sanh khởi, khi yêu ghét không có mặt thì chúng không sinh khởi.

Bạch Thế Tôn, nhưng yêu ghét do nhân duyên gì phát sanh...?

Này Thiên chủ, chúng phát sinh từ tham dục.

Và nhân duyên gì phát sinh từ tham dục?

Này Thiên chủ, chúng phát sinh từ suy nghĩ. Khi tâm suy nghĩ về một đối tượng thì tham dục sinh khởi, khi tâm không suy nghĩ gì thì tham dục không sinh khởi.

Bạch Thế Tôn, nhưng do nhân duyên gì mà suy nghĩ sinh khởi?

Này Thiên chủ, suy nghĩ sinh khởi từ những vọng tưởng và hý luận. Khi những vọng tưởng và  hý luận có mặt thì suy nghĩ có mặt. Khi những vọng tưởng và hý luận không có mặt thì suy nghĩ không có mặt.

         (Trường Bộ Kinh II, Kinh 21: Đế Thích Sở Vấn, tr. 276-277) 

Các tin khác