thongbach

Hùn Phước Xây Tượng Quán Thế Âm

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô Đại từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát.

“Cam lồ nước quyện nhành dương,

Nhẹ nhàng trải giọt yêu thương điệp trùng.

Mở lòng quảng đại tinh thông,

Quan âm Bồ Tát ngăn dòng đớn đau.”

Xem chi tiết

Hành trạng Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức

HÀNH TRẠNG ĐỨC SƯ ÔNG thượng BỬU hạ ĐỨC
CHỨNG MINH ĐẠO SƯ LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG
1880-1974

&&&

     Hằng năm, đến những ngày nầy thì toàn thể hàng giáo phẩm, chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng đều nhất tâm hướng về và chuẩn bị tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 31 đức Sư Ong thượng Bửu hạ Đức, Chứng Minh đạo Sư Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Người đã hoằng truyền pháp phái tu niệm Phật từ năm 1930 tại miền Tây Nam phần Việt Nam, rồi sau đó năm 1955 được truyền thừa về miền Đông và được xương minh cho đến hôm nay.

    Những long tượng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là những vị được kính tôn bậc đạo sư đã khai sinh một viềng mối Tịnh Tông, hội nhập cùng với các môn hệ, kế thừa chánh pháp Thích Ca Mâu Ni, chư lịch đại Tổ sư, vừa trợ duyên cho công cuộc hoằng hóa của Phật Giáo Việt Nam.

    Đã trên 70 năm rồi, dù trải qua nhiều gian lao khó khổ, nhưng các các bậc cao Tăng trong Tịnh độ Non bồng vẫn nhẹ nhàng lướt thuyền từ trên đại dương cuộc đời và đã thành công trong Phật sự hoằng pháp lợi sinh, tế tăng độ chúng…

    Chúng tôi Ban sử liệu xin giới thiệu đến các bậc Thiện tri thức, Chư sơn, quý Thiện hữu Phật tử độc giả về hành trạng của Đức Sư Ong thượng Bửu hạ Đức, bậc đạo sư Tịnh độ Non bồng để cùng góp phần vào văn học sử Phật Giáo Việt Nam.

I . KHƠI NGUỒN :

    Phật giáo đã truyền vào Việt Nam vào khoãng năm 240 trước Tây lịch. Một cơ hội truyền đạo thật sương thạnh lúc bấy giờ tại kinh đô Luy Lâu (miền Bắc Việt Nam). Kể từ đó đến nay chư lịch đại Tổ Sư tiền bối truyền đăng tục diệm , thừa kế chánh pháp Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni có các Ngài Mahula, Khưu Đà La, Khương Tăng Hội, Mâu Bác, Pháp sư Đỗ Thuận, Quốc sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh, dẫn đến nhiều vị Tổ sư là những bậc long tượng có công hoằng truyền giáo pháp Phật hoặc thiền hoặc tịnh, đã lèo lái con thuyền chánh pháp đi khắp nơi trên khắp nhân gian, phục hưng chánh pháp như : Tổ sư Vĩnh Nghiêm, Tổ sư Tuệ Tạng, Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, Tổ sư Liễu Quán, Tổ sư Viên Thành, Tổ sư Huệ Quang, Tổ sư Khánh Hoà và Chư Sơn Thiền Đức cận đại như Đức Đại lão Hoà Thượng Pháp Chủ Khánh Anh, Ngài Hành Trụ, Đức Bồ Tát Quảng Đức, Ngài Thiện Hoa, Ngài Thiện Hoà, Ngài Trí Thủ, Ngài Trí Tịnh, Ngài Huệ Hưng…từng trãi nghiệm qua bao thăng trầm thử thách, khi ẩn, khi hiện, khi thì xử sĩ, lúc thì nhập thế tuỳ theo hạnh nguyện độ tha và tùy thời duyên vận nước thủy triều mà an bày chánh pháp nơi dòng sông sanh tử.

    Các Ngài luôn đem ánh sáng chơn lý đạo Phật vào cuộc đời, cũng có lúc đưa chánh pháp ẩn dật chốn cùng cốc thâm sơn, các Ngài đều có đủ phương tiện để duy trì chánh pháp. Từ đó đến nay trên 2.000 năm, Đạo Phật đã trở thành truyền thống đạo đức cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Công lao của các Ngài thật là vô tận !

    Tuy nhiên, vì tùy theo công hạnh hoằng hóa, nên mỗi vị đều có một cơ đồ đạo nghiệp riêng, tạo thành một hệ phái riêng mà độ chúng. Vì vậy mỗi một môn phong, pháp phái đều có hệ thống quy cũ riêng, để làm phương tiện gieo duyên, cổ xúy ánh đạo Đức Thế Tôn, an tâm cho người con Phật khi họ phát tâm đến với giáo pháp giải thoát. Trên nhiều phương tiện độ tha, các Ngài không chùn bước trước những chông gai nhiều thử thách, dù phải trải qua nhiều phân thân để diệt độ những phiền trược của chúng sanh, dù tán thân mất mạng nhưng vẫn nhẹ nhàng lướt gió tuông mây trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, không hề mệt mõi…

    Không phải chỉ có ở Âu Châu, Mỹ Châu, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản hay những Trung tâm học Phật lớn ở thành thị của Việt Nam mới có những bậc chân tu thật đức xuất hiện. Mà thế gian nầy còn có rất nhiều bậc chơn tu sống mai danh ẩn tích, dùng phương tiện quyền thừa độ tha, đã làm tròn sứ mạng thiêng liêng mà liệt Tổ liệt Tông giao phó.

II . HÀNH TRẠNG ĐỨC SƯ ÔNG BỬU ĐỨC :

    Sau ngày xây Tháp điện tròn xong, từ năm 1975 chư Tăng Ni, Phật Tử mới hiểu biết về hành trạng của Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC là bậc đạo sư xương minh Tịnh độ, thừa nhận pháp môn niệm Phật làm tâm tông kể từ khi xuất thân tu học, hành đạo 55 năm qua.

    Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC tên thật là Phạm Văn Vị, sinh năm 1880 tại làng Vĩnh Chánh, tỉnh Long Xuyên, một nơi được coi là vựa lúa của miền Nam, là trung tâm của nhiều học phái, đạo giáo xuất phát, là nơi xuất sanh những ngôn từ có nhiều âm thanh “hồn Việt” cũng là vùng có nhiều núi non hùng vĩ, huyền bí…

    Xuất thân từ một gia đình nông dân tu Phật, thú hướng tu học giáo lý Phật-đà, dù Ngài thuộc tu sĩ học phái Bửu Sơn. Quanh năm, ngoài công việc đồng áng, tuy còn ở thế tục nhưng Ngài đã phát tâm hành pháp khổ hạnh, chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà, nghiên tầm kinh sách dạy về Pháp Môn Niệm Phật để học hỏi và làm phương tiện thuyết giảng cùng với hàng Phật tử đồng tu.

    Năm 1920. Đức Sư Ong tự nguyện xuất gia hành đạo nối gót các bậc tổ đức tiên sinh tiền bối , tự mình phát tâm quy kính nương về với Tam Bảo và cầu Pháp với Đức Bổn Sư Núi Tượng; tại núi Tượng, xã Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc. Trên lưng chừng núi non hiểm trở, hoang vu Ngài dựng một Am lá đơn sơ dùng làm nơi tịnh niệm, ngày thì canh điền tác rẩy, để có phương tiện đời sống đạo nuôi thân, đêm về am thanh cảnh vắng, giữa chốn tịch dương sôi kinh nấu sử, bái sám tịnh niệm, và cứ như thế Ngài tấn tu tịnh nghiệp không hề nhàm trể. Sư Ông Bửu Đức rất tiết độ về ăn uống, ngày chỉ ăn một ngọ trưa, vì muốn cho thân xác được nhẹ nhàng, nên khi ăn, chỉ ăn lường một bát cơm, để vừa đủ nuôi thân mà thôi.

Đức Sư Ông dạy: “ Trường chay phải tuyệt dục, muốn dứt được dục tính, trước nhất phải tiết giảm việc ăn uống, nhất là ăn uống phi thời, ăn quá độ…”

     Năm 1923, nhận thấy sự tu hành khổ hạnh và hiệu quả, nhưng rất khiêm tốn của Đức Sư Ông, các Phật Tử khắp nơi từ vùng Saigon, miền Đông đến miền Tây vân tập về học đạo như : Cụ Sáu Muôn, Cụ Năm Trầu, Cụ bà Đinh Thị Hy, Ong Ba Bồ Đề và nhiều Phật tử khác thường lui tới nghe Sư Ông giảng dạy về giáo pháp Tịnh Độ Tông. Lúc bấy giờ vì nhu cầu nuôi chúng Ngài quyết định xây dựng một nền đạo pháp thật chắc chắn lâu dài với một ngôi Am tự, hiệu là Bửu Quang và do Ngài làm chủ Am. Từ đây, Ngài còn lập thêm một hạnh lành nữa là làm việc từ thiện xã hội, cứu nhân độ thế, bốc thuốc Nam độ bệnh cho nhân dân bá tánh, giúp đỡ cho những người nghèo khó trong cơn đau yếu, gặp phải những lầm than tai biến của chiến tranh Việt Pháp đang dày xéo quê hương, với việc làm này đã an ủi, chở che sưởi ấm một phần nào khổ đau nghèo khó cho người dân quanh vùng.

III . HỘ ĐẠO :

    Năm l940, Am Bửu Quang bị giặc Pháp đốt phá, Sư Ông và các môn đệ không còn tu hành tại núi non, Phật tử Đinh Thị Hy rước Ngài về cầu số 1, Thị xã Rạch Giá, các môn đệ cũng được mời về đây tiếp tục làm việc từ thiện bốc thuốc Nam, cứu bệnh hướng dẫn người tu hành tế tăng độ chúng.

Năm 1943, có một Đạo nhân tướng hảo quang minh, thật phi thường vị thanh niên có trên 20 tuổi, mặc y phục cổ truyền đến vấn an hỏi đạo cầu Sư Ông an tâm :

– Đạo nhân nói : “ Thê tử đã qua đời, con quá khổ tâm, mong nhờ Ông Ba giải khổ…?

– Sư Ông đáp : “ Ông là người có sứ mạng cao cả với Phật pháp, không việc gì phải bận tâm phiền trược, khổ đau. Ông nên xuất gia tu hành hoá đạo, chúng sanh đang chờ, tôi hứa sẽ là người đầu tiên ủng hộ cho Ông…”

    Vị Đạo nhân liền xá chào từ giả Sư Ông ra đi và làm theo lời sách tấn của Sư Ông. Đến năm 1944, vị Đạo Nhân đó trở lại thăm Sư Ong, lúc bấy giờ trên mình mang pháp phục đại y. Sư Ông liền bảo: “ Từ đây đạo lành của ông rất tỏ rạng, nhưng trên đường hành đạo, Ông đừng bao giờ nhắc đến danh tánh của tôi, tôi và các môn đệ của tôi trong tương lai sẽ là người ẩn mình hỗ trợ cho Ong hóa đạo, tình nghĩa Thầy trò chỉ gặp nhau bằng đạo Tâm mà thôi…” (nguyên văn của Đức Sư Ông thuật lại hồi năm 1962 khi Đoàn Du Tăng chúng tôi đến thăm Ngài tại núi Trà sư, Tịnh Biên ). Thì ra ai mà biết được vị Đạo nhân tướng hảo quang minh đó sau nầy là Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam !

IV . TRUYỀN THỪA :

    Vào cuối năm 1954 Đức Sư Ông có tiếp nhận thêm một người đệ tử, mà người này có tâm tính khác thường hơn các đệ tử lớn của Ngài. Suốt thời gian học đạo 8 tháng chưa bao giờ người được Sư Ông dạy bảo học giáo lý gì cả, mà chỉ dạy niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà : “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”, mặc dù người văn hay chữ giỏi, thông thuộc nho học, kinh pháp lão thông, ngược lại người chỉ được các sư huynh cho phép “Làm công quả, lao tác xung quanh các việc trong nhà trù cũng như ở ngoài rừng…” nhưng vị Đạo nhân đó lúc nào cũng vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận.

Một ngày nọ, vị Đạo nhân đó lén vào liêu phòng của Sư Ong để tham vấn học đạo. Khi gặp Sư Ong, vị Đạo nhân nói: “ Bạch, con muốn giống Ông Ba, mà phải tu thế nào cho giống?…”

    Đức Sư Ông vui cười và bảo : – “ Muốn Thì Được” ! Chỉ có bấy nhiêu thôi, từ đó tình thầy trò nhìn nhận nhau mà tâm niệm. Tình nghĩa Thầy trò suốt thời gian học đạo, Đạo nhân đó được Đức Sư Ông dạy đạo lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng để rồi phải xa nhau. Sư Ông dạy Đạo nhân đó phải đi về Miền Đông hành đạo thì được việc…

Năm 1956, vị Đạo nhân đi về Miền Đông, kinh qua nhiều gian truân thử thách, thường trụ nhiều trú xứ, cầu pháp với Đại lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Châu, tại Tổ đình Long Sơn, Tân Ba và cuối cùng đăng sơn núi Dinh, Bà Rịa được Yết Ma Sen giao phó Tổ Đình Linh Sơn cho Đạo nhân làm Trụ trì vị đạo nhân đó tức là Mẫu Trầu cũng là Hoà Thượng thượng THIỆN hạ PHƯỚC người sáng lập môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Chứng Minh Đạo Sư Quan Âm Tu Viện, lãnh đạo 145 ngôi Tự , Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Đạo tràng thuộc môn phái trên cả nước, giáo hoá hàng ngàn Tăng Ni, hàng chục vạn tín đồ Phật tử quy y tu theo pháp môn.

Đức sư ông THƯỢNG BỬU HẠ ĐỨC trong suốt đời hành đạo, đệ tử của Ngài tuy đông, nhưng chỉ có Hoà Thượng Thiện Phước là người đệ tử tâm đắc của Ngài.

    Năm 1960 Am Bửu Quang lại bị đốt phá lần nữa. Đức Sư Ông và các môn đệ phải về ẩn dật tại Núi Trà Sư, ngụ tại Am Đại Quang Minh. Lúc bấy giời Ngài thường lui tới về Miền Đông thăm Tổ Đình Linh Sơn để sách tấn Tăng, Ni, Phật tử tu học và chứng minh cho người đệ tử tâm đắc của Ngài đang hành đạo giáo chúng.

    Năm 1970, Đức Sư Ông dạy các môn đệ vân tập về Núi Sập xây dựng ngôi Phật pháp Thành An Tự. Sau đó Sư Ong được các môn đệ cung thỉnh về đây an cư hóa đạo cho đến ngày viên tịch.

    Đức Sư Ông viên tịch vào lúc 4 giờ sáng ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Dần, tiết Đại Hàn, nhằm ngày 29.01.1975 trong khi đôi tay cầm nắm đạo đức của Ngài đang kiết ấn tam muội, từ từ xả báo an tường ra đi với một tư thế điềm đạm và an tịnh, hưởng thọ 95 tuổi đời – 55 năm tuổi đạo.

V. NHỮNG LỜI DẠY :

– Niệm Phật tuy đơn giản, song không niệm Phật sẽ không có lối về.

– Người niệm Phật thì đi về với Phật, người niệm Không thì đi về với Không.

– Dần dà cái sanh già, bệnh chết rất nhanh các người có công niệm Phật, đừng để tử sanh dắt lối dẫn đường, uổng kiếp làm người khó….

– Tâm trần sanh, tâm đạo diệt, tâm đạo sanh, tâm trần diệt. Hiện tiền của niệm Phật A Di Đà là tạo cho tâm trần không sanh, lần lần định lực như ý.

– Đêm đêm nhơn sinh đều ngủ, say sưa trong giấc nồng. Ta thức, thức thật tĩnh táo trong đêm trường, lo toan niệm Nam Mô A Di Đà để sớm về quê cũ.

– Niệm Phật thì có Phật, sợ gì thiên ma quấy phá, các bậc thánh thần cũng phải qui y Phật, hộ trì Phật pháp, các vị đó không phải là cứu cánh của bùa, ngải, phù phép linh thiêng… nên không cần phải học hỏi những ô nhiễm trần lao đó. Cần phải gắng chí niệm Phật bất thối chuyển.

– Các người, dù có được đi gió về mây, dù có một thế lực nào cao cả, chức tước quyền bính, cao vọng trong Đạo hay ngoài đời cũng không cao quý bằng nơi chốn thâm sơn rảnh rang Niệm Phật, giống như “ÔNG GIÀ THẤT NGHIỆP”, bụi trần lao không có chỗ đeo bám.

– Niệm Phật, niệm thầm, niệm lớn tiếng đều được, miễn làm sao không rời “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”.

– Có lòng từ tức phải có trí tuệ, người tu pháp Niệm Phật sẽ đáp ứng được trí tuệ đó.

– Không nên giao thiệp rộng, tiếp xúc với thế đời nhiều, nếu việc đó không giúp ích gì cho chúng sanh và đạo pháp, chỉ cần lo tinh tấn cần chuyên niệm Phật tức là giúp ích cho chúng sanh và đạo pháp.

– Phải từ chối hết tất cả mối duyên ở đời, không nên hứa hẹn, dù lời hứa đó cao cả, lời hứa đó là Phật sự hoằng pháp đi nữa cũng không nên, chỉ có Niệm Phật là đáp ưng được sự nghiệp hoằng pháp độ sinh rồi.

– Hứa cho nhiều, hẹn cho nhiều, giao duyên đời rộng rãi quá, làm gì có thời giờ rỗi rãnh để Niệm Phật.

– Pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thượng duy nhất, là ngỏ lối đi về với Tổ Phật, các người không nên phá quy củ của pháp môn, vì phá hoại pháp môn Niệm Phật tức là phá Chánh pháp của ba đời chư Phật, làm thân Phật ra máu. Phạm tội ngũ nghịch, thập ác, lở tái sinh vào kiếp khác, khó mà nhập cảnh nhơn thiên.

– Sau khi tôi đi về với Tổ Phật, Pháp môn duy nhất này, giao lại cho Mẫu Trầu, người có khả năng kế thừa hoằng truyền tại Miền Đông, Pháp môn niệm Phật sẽ được tỏ rạng là do Mẫu Trầu, từ đó về sau tiếp tục kế thế, đừng để mất mát Pháp môn cực tắc của Chư Phật.

– Sau khi tôi viên tịch, các ngươi phải giao mọi việc cho Mẫu Trầu lo liệu, trà tỳ hoả táng nhục thân, đừng nuối tiếc tấm thân cằn cổi đã trải qua 95 năm này, mà cố gắng thực hành những lời dạy của tôi cho đúng đắn. Các người phải về miền Đông nương với Mẫu Trầu mà học đạo thì thành tựu đạo nghiệp.

VI . NHỮNG LỜI PHÁP TRUYỀN ĐẠT :

– Người tu không nên lập dị, không nên tranh chấp hình thức làm sai lạc chính pháp của Đức Phật Thích Ca.

– Đừng dùng âm thinh sắc tướng quá nhiều mà cầu đạo, nó chỉ giúp ích cho người tu ở giai đoạn đầu, ác tâm không phải là cứu cánh.

– Người xuất gia, tại gia đều được nên đạo như nhau, nhưng phải có lòng chơn thật, mới đúng là Sa môn thích tử. Không nên mượn Đạo tạo Đời, không tu hành bao nhiêu, chỉ mượn học vị che mắt thiên hạ, không xứng đáng làm người.

– Người tu trưởng thành đạo nghiệp, tức là đắc đạo, chỉ khi nào có được ở nơi người có lòng trung tín, hiếu đạo không bỏ pháp môn.

– Đừng tự ty mặc cảm, kiếp sống ở hạ ngươn tu không đắc đạo, phải gắng chí lập công bồi đức để làm gương mẫu cho đời.

– Bùa, ngãi, bốc phệ, tiên tri, bói toán, xủ quẻ, đồng bóng, học đòi làm chính trị, coi thiên văn, địa lý không phải là con nhà đạo Phật, đời đời như vậy.

– Nói ít mà làm nhiều việc thiện, chắc chắn sẽ nên đạo.

– Làm các việc từ thiện xã hội là phương tiện độ tha của người tu Phật, theo chiều hướng pháp môn Tịnh độ.

– Các ông muốn tu theo pháp hạnh Khất sĩ của ba đời chư Phật, phải học chơn lý đại đồng, cầu học đạo với Ngài Minh Đăng Quang, muốn tu pháp môn niệm Phật thì cầu học đạo với Mẫu Trầu.

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác là Trưởng tử của Mẫu Trầu, người chịu trách nhiệm giáo hoá trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, khi đến viếng Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC.

Đức Sư Ông dạy: “ Đạo không có chánh tà, còn suy niệm chánh tà là còn sở chấp, mê lầm phiền não, không có lối thoát, ý chi không phân minh. Người tu như thế, còn nhơn ngã bỉ thử nặng nề như núi Tu Di, tức là người không có trí huệ thì làm gì biết được đây là chánh, kia là tà, đây là tà kia là chánh mà biện minh… “

Ni trưởng nghe rồi không còn buồn bực nữa, đối với sự việc dư luận đánh giá môn phái Tịnh độ Non bồng.

Chắc chắn rằng Đức Sư Ông còn dạy dỗ rất nhiều bài pháp quý báu, nhưng mỗi lần đến thăm rất khó gặp Ngài. Bởi Ngài luôn an tọa niệm Phật trong tịnh thất. Chư Tăng Ni chúng tôi tiếp thu rất ít lời vàng ngọc, sỡ dĩ có những lời dạy hôm nay là do chúng tôi lược thuật lại theo lời kể của những môn đệ hầu cận, làm thị giả Đức Sư Ông, như Sư Thiện Trí, Sư Thiện Hương, Thiện Huỳnh, Thiện Tánh…cũng có khi được nghe trong những thời thuyết pháp của Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, của Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác, nhất là khi chúng tôi được Đức Sư Ông trực tiếp chỉ giáo.

                 

                                                                                                                                                               Đệ tử Thích Giác Quang
                                                                                                                                                               Môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng
                                                                                                                                                         Lược thuật theo lời dạy của Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC
                                                                                                                                                         từ năm 1965 đến năm 1974

Các tin khác