KINH CÔNG ĐỨC TẮM PHẬT

KINH CÔNG ĐỨC TẮM PHẬT

(Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch ra Hoa văn)

(Bạch Liên Hoa dịch ra Việt văn)

 

 

     Tôi nghe như vậy, một thuở nọ đức Phật an trú trên đỉnh núi Thứu-phong thuộc thành Vương-xá cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo lớn. Lại có vô lượng vô biên các vị đại Bồ tát, Trời, Rồng, Bát bộ đều đến vân tập để nghe đức Phật thuyết giảng.

     Bấy giờ ngồi ở trong chúng hội có vị Bồ tát tên là Thanh-tịnh-tuệ vì muốn nghĩ nhớ thương xót cho tất cả hữu tình mà suy nghĩ như vậy:

     “Chư Phật Như-lai vì nhân duyên gì mà có được thân thanh tịnh sáng suốt lại có đầy đủ các tướng tốt đẹp như vậy.”

     Lại suy nghĩ rằng:

     “Các loại chúng sanh đã được gặp đức Như-lai, gần gũi cúng dường thì đạt được vô lượng vô biên phước đức. Nhưng Ta không biết rằng sau khi Như-lai nhập vào Niết-bàn vắng lặng thì các loại chúng sanh cúng dường như thế nào, tu công đức gì để khiến cho các loài hữu tình gieo trồng được cội lành mà nhanh chóng đạt được cứu cánh Vô thượng Bồ đề.

     Suy nghĩ như vậy xong, Thanh-tịnh-tuệ Bồ tát tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai bên phải, cúi đầu đảnh lễ dưới chân của đức Phật. Xong rồi quỳ gối chắp tay bạch đức Phật rằng:

     “Bạch đức Thế-tôn! Hôm nay con có điều (vấn đề) xin thưa (thỉnh) hỏi, cúi xin đức Thế-tôn từ bi lắng nghe và hứa khả.”

     Đức Phật dạy rằng:

     “Này Thiện nam tử! Tùy chỗ ông hỏi mà ta sẽ nói rõ.”

     Bấy giờ, Thanh-tịnh-tuệ Bồ-tát bạch đức Thế-tôn rằng:

     “Bạch đức Thế-tôn! Chư Phật Như-lai, bậc Ứng-cúng, Chánh-đẳng, Chánh-giác do nhân duyên gì mà được thân thanh tịnh sáng suốt, tướng tốt tròn đầy như vậy”?

     “Lại có các loại chúng sanh được gặp đức Như-lai, gần gũi cúng dường được vô lượng vô biên phước báo. Vậy sau khi đức Như-lai nhập vào Niết-bàn vắng lặng thì các chúng sanh đó cúng dường như thế nào, tu công đức gì để khiến cho chúng sanh đó được gieo trồng được căn lành, nhanh chóng đạt được cứu cánh Vô thượng Bồ đề”?

    Bấy giờ đức Thế-tôn bảo Thanh-tịnh-tuệ Bồ tát rằng:

    “Lành thay! Lành thay! Ông đã vì các chúng sanh trong đời sau này mà hỏi những việc như vậy. Ông nay hãy lắng nghe cho kỹ, khéo léo suy nghĩ để theo đó mà tu hành, ta sẽ vì ông mà phân biệt nói rõ.”

     Thanh-tịnh-tuệ bạch rằng:

     “Xin vâng, bạch đức Thế-tôn! Con xin muốn nghe.”

     Đức Thế-tôn bảo Thanh-tịnh-tuệ Bồ tát rằng:

     “Này thiện nam tử! Ông hãy nên biết rằng các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, từ bi, hỷ, xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, mười lực, bốn vô sở úy, hết thảy Phật pháp, hết thảy các sự hiểu biết của Như-lai đều khéo léo thanh tịnh cho nên thân của Như-lai thanh tịnh sáng suốt.

     Chư Phật Như-lai có thân thanh tịnh sáng suốt như vậy cho nên nếu có chúng sanh nào dùng tâm thanh tịnh, dùng các loại để cúng dường như: hương, hoa, chuỗi ngọc đeo cổ, tràng phan mà bày ra đầy đủ trước tượng đức Phật. Lại dùng vô số trang sức trang nghiêm quý báu, nước hương thơm tuyệt diệu bậc nhất mà lau rửa tượng Phật rồi đốt các loại hương thơm và vận hết lòng thành nguyện hương thơm này xông khắp pháp giới. Lại dùng thức ăn món uống, đánh trống gãy nhạc ngâm ca để ca ngợi tán thán đức Như-lai rồi dùng công đức này mà phát nguyện thù thắng hồi hướng cầu Nhất thiết trí (trí tuệ của đức Phật) thì nhờ đó mà sanh được phước đức vô lượng vô biên và nên tiếp nối nhau không bị gián đoạn cho đến khi thành tựu được đạo quả Bồ đề.

     Tại sao như vậy? Bởi vì trí tuệ và phước đức của Như-lai không thể nghĩ bàn, không thể tính đếm.

     Này thiện nam tử! Đức Như-lai có đầy đủ ba thân. Đó là: Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân nên sau khi ta nhập Niết-bàn nếu có ai muốn cúng dường ba thân này thì hãy nên cúng dường xá lợi của ta.

     Tuy nhiên, xá lợi thì có hai loại: một là xá lợi thân cốt (xá lợi tro cốt), hai là xá lợi pháp tụng (chỉ cho các bài kệ, kinh điển)”.

     Đức Phật liền nói kệ rằng:

“Chư pháp từ duyên khởi,

Như-lai thuyết nhân này.

Pháp kia do duyên diệt,

Bậc đại sa môn nói.”

     Nếu có người nam người nữ cho đến năm chúng xuất gia, tùy theo sức lực của mình như tạo lập tượng Phật nhỏ như hạt lúa, xây dựng Tháp miếu hình giống trái táo, dựng cái Tràng phan nhỏ như cây kim, làm Bảo cái nhỏ như miếng trấu, Xá lợi nhỏ như hạt cải, hoặc biên chép kinh điển mà đặt vào trong đó thì không khác gì cúng dường những vật quý báu. Mỗi người đều hết lòng ân cần trân trọng thì khi đó cũng giống như cúng dường ta hiện ở trên đời không khác gì vậy.

     Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh nào có thể làm những việc như vậy thì người cúng dường đó sẽ thành tựu được mười lăm công đức thù thắng mà tự trang nghiêm thân:

“Một là biết hổ thẹn với những tội lỗi của mình đã tạo ra.

Hai là có lòng tin trong sạch.

Ba là ngay thẳng.

Bốn là thân cận bạn lành.

Năm là nhập vào trí tuệ của bậc Thánh

Sáu là thường thấy chư Phật.

Bảy là thường giữ gìn chánh pháp.

Tám là thực hành đúng theo lời Phật dạy.

Chín là tùy theo ý muốn mà được sanh về các cõi Phật.

Mười là nếu sanh trong loài người thì được sanh vào trong dòng họ tôn quý, được mọi người kính trọng, thường sanh tâm hoan hỷ.

Mười một là nếu sanh trong loài người thì tự nhiên biết niệm Phật.

Mười hai là không bị các loại ma và quân ma làm tổn hại.

Mười ba là ở trong đời vị lai thường hộ trì chánh pháp.

Mười bốn là được chư Phật ở mười phương gia hộ.

Mười lăm là nhanh chóng thành tựu được năm phần pháp thân.”

     Bấy giờ đức Thế-tôn muốn nói lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

“Sau khi Ta nhập diệt,

Cúng dường các xá lợi,

Hoặc xây dựng tháp miếu,

Và đắp tượng chư Phật.

 

Nơi chỗ tháp, tượng kia,

Tô vẽ Mạn-đồ-la,

Dùng muôn loại hoa quý,

Mà rãi trên tháp, tượng.

 

Lại lấy nước sạch thơm,

Để tắm rửa tượng Phật,

Cùng ẩm thực tuyệt diệu,

Đem hết dâng cúng dường.

 

Ca ngợi công đức Phật,

Vô lượng khó nghĩ bàn,

Thần thông, trí, phương tiện,

Chóng lên bờ giải thoát.

 

Đắc được thân kim cang,

Đủ ba hai tướng tốt,

Cùng tám mươi vẻ đẹp,

Cứu độ cả quần sanh”.

     Bấy giờ Thanh-tịnh-tuệ Bồ tát nghe bài kệ đó xong liền bạch đức Phật rằng:

     “Bạch đức Thế-tôn! Chúng sanh đời sau này,  nên tắm tượng Phật như thế nào”?

     Đức Phật bảo Thanh-tịnh-tuệ Bồ tát rằng:

     “Các ông trong đời sau này hãy luôn giữ tâm chánh niệm ngay thẳng, xa rời hai cực đoan chấp thường và chấp đoạn, chớ mê lầm có hoặc không. Đối với các phẩm thiện lành (Pháp lành) thì hãy nên tha thiết mong cầu chớ đừng ghét bỏ, tu tập ba phương pháp thiền quán đạt đến giải thoát, khéo léo tu tập để đạt được trí tuệ. Thường xa rời ái dục, chớ ở mãi nơi sanh tử, đối với muôn loài chúng sanh thì hãy khởi lên tâm thương yêu, phát nguyện nhanh chóng thành được ba thân như đức Phật.”

     “Này thiện nam tử! Ta đã vì ông mà nói về bốn chơn đế, mười hai nhân duyên, sáu pháp Ba-la-mật Nay ta lại vì ông cùng với các vị quốc vương, thái tử, đại thần, quyến thuộc của vua, trời, rồng, người, quỷ mà nói về phương pháp tắm Phật. Đây chính là cách cúng dường bậc nhất trong các thứ cúng dường, hơn cả dùng bảy báu nhiều như số cát sông hằng để bố thí cúng dường.

     Trước khi muốn tắm tượng Phật thì hãy nên dùng các loại gỗ thơm quý hiếm như ngưu đầu chiên đàn, gỗ đàn hương màu trắng, gỗ đàn hương màu đỏ, trầm hương, huân lục hương, uất kim hương, long não hương, linh lục, hoắc hương… mài trên một viên đá sạch để tạo thành bột hương, rồi lấy bột hương đó mà trộn lẫn với nước thơm, xong thì đổ vào trong một cái bình sạch.

     Ở nơi chỗ thanh tịnh sạch sẽ, dùng đất tốt làm một cái Pháp đàn hoặc hình vuông hoặc hình tròn, lớn nhỏ tùy tâm. An trí tượng Phật ở giữa trên Pháp đàn đó, rồi đặt bình nước thơm ở trên Pháp đàn. Xong rồi thì rót nước thơm nóng để tắm tượng Phật cho đến khi tượng Phật trở nên sạch sẽ, hương thơm thanh khiết. Lại nữa, phải dùng nước trong sạch và phải nên lọc sạch để không làm tổn hại đến côn trùng.

     Nơi nước chảy trên tượng đó hãy dùng tay hứng lấy rồi xoa lên trên đầu của mình, đây gọi là nước cát tường.

     Nước rửa tượng xong thì hãy đổ trên đất sạch chớ có nên dẫm đạp lên.

     Sau khi dùng nước thơm để rửa xong thì lấy một cái khăn mềm mịn để lau chùi tượng khiến cho tượng sáng sạch. Kế đến đốt các thứ hương thơm khiến cho khắp tượng Phật đều có mùi thơm thanh khiết. Sau đó an trí tượng Phật về lại chỗ củ.

     Này thiện nam tử! Nhờ vào công đức tắm tượng Phật như vậy cho nên cho nên các ông cùng với chúng trời người hiện tại được giàu có an lạc, không có bệnh tật liên miên, có nguyện cầu gì thì cũng được toại nguyện cả, tất cả những người bà con thân thuộc đều được an ổn, xa rời tám nạn (nạn địa ngục, nạn ngạ quỷ, nạn súc sanh, nạn sanh lên cõi trời trường thọ, nạn sinh ra ở Bắc cu lô châu, nạn đui điếc câm ngọng, nạn thế trí biện thông, nạn sinh trước và sau Phật), vĩnh viễn thoát ra được dòng sông khổ đau, không còn thọ thân người nữ, nhanh chóng thành Đạo quả.

Sau khi an trí tượng Phật về chỗ củ xong, thì hãy đốt các thứ hương thơm rồi ở trước tượng Phật mà chân thành cung kính quỳ gối chắp tay ca ngợi như vậy:

  Con nay được tắm gội,

  Đấng Như lai mười phương,

  Bậc thanh tịnh trang nghiêm,

  Và công đức tròn đầy.

 

  Nguyện cho các chúng sanh,

  Trong đời ác ngũ trược,

  Nhanh chóng được thành tựu,

  Pháp thân của Như lai.

 

  Hương giới và hương định,

  Hương tuệ, hương giải thoát,

  Hương giải thoát tri kiến,

  Tỏa khắp mười phương cõi.

 

  Xin nguyện khói thơm này,

  Cũng xông khắp như vậy,

  Vô lượng và vô biên,

  Làm các việc Phật sự.

 

   Nguyện bánh xe của khổ đau,

   Trong ba đường dừng hẳn,

   Đều khiến lửa nóng bức,

   Biến thành nước mát trong.

 

   Hết thảy các quần sinh,

   Phát khởi tâm bồ đề,

   Vĩnh viễn vượt sông ái,

   Bước lên bờ giải thoát.

     Sau khi Đức Phật nói kinh này xong thì ở trong đại chúng có vô lượng vô biên chư vị Bồ tát chứng đắc Vô cấu tam muội, vô lượng chúng trời đắc Bất thối trí, các chúng Thanh văn thì nguyện cầu thành tựu Phật quả, tám vạn bốn ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh giác.

     Bấy giờ, Thanh-tịnh-tuệ Bồ tát bạch đức Phật rằng:

     “Bạch đức Thế-tôn! Hạnh phúc thay, hôm nay chúng con được bậc Thầy cao cả thương xót mà chỉ dạy cho phương pháp tắm rửa tượng Phật. Con nay sẽ khuyến khích dạy bảo các vị quốc vương đại thần, hết thảy những người có tín tâm biết yêu thích làm việc công đức thì nên ngày ngày tắm rửa lau chùi tượng Phật và nhờ đó mà sẽ có được lợi ích lớn.  Chúng con sẽ luôn tin nhận, vui vẻ và làm theo.

Các tin khác