thongbach

Hùn Phước Xây Tượng Quán Thế Âm

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô Đại từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát.

“Cam lồ nước quyện nhành dương,

Nhẹ nhàng trải giọt yêu thương điệp trùng.

Mở lòng quảng đại tinh thông,

Quan âm Bồ Tát ngăn dòng đớn đau.”

Xem chi tiết

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TRỘM TĂNG TƯỚNG VÀ LỐI TU ĐẦU-ĐÀ KHỔ HẠNH THEO GIỚI LUẬT CỦA ĐỨC PHẬT

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TRỘM TĂNG TƯỚNG
VÀ LỐI TU ĐẦU-ĐÀ KHỔ HẠNH THEO GIỚI LUẬT CỦA ĐỨC PHẬT

 

PHẦN I: LUẬT PHẬT DO AI QUY ĐỊNH? 
1) Hỏi: Luật Phật là gì? Ai là người chế định ra Luật Phật?
Đáp: Luật Phật là khái niệm cho tất cả quy định về giới luật do đức Phật chế định từ năm 12 sau khi giác ngộ, lúc ngài được 47 tuổi, bổ sung liên tục ở nhiều địa điểm khác nhau tại Ấn Độ cho đến lúc đức Phật qua đời ở tuổi 80. Toàn bộ các quy định dành cho người xuất gia của đức Phật được ghi chép trong Luật tạng (P=S. Vinaya Piṭaka, 律藏), một phần quan trọng trong Tam tạng Pali. Hai phần còn lại là Kinh tạng (Sutta Piṭaka, 經藏) và Vô Tỷ pháp tạng (Abhidhamma Piṭaka, 論藏). (1) Nội dung: Luật tạng xoay quanh các giới luật, lối sống, cách tu tập dành cho Tỳ-kheo (bhikkhu) và Tỳ-kheo-ni (bhikkhuni) trong Tăng đoàn. Tất cả người xuất gia từ lúc tập sự làm tịnh nhân trong chùa, đến lúc được thầy tế độ cho cạo đầu trở thành người xuất gia, lần lượt thọ giới Sa-di, rồi Tỳ-kheo (chính thức làm thầy đối với nam); thọ giới Sa-di-di, Thức-xoa rồi Tỳ-kheo-ni (chính thức làm sư cô đối với nữ) đều phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của Luật Phật trong Luật tạng, bất luận tăng ni đó theo bất kỳ giáo hội Phật giáo nào, tại bất kỳ quốc gia nào.

2) Hỏi: Luật Phật có bao nhiêu trường phái? Tăng Ni và giáo hội có được quyền đứng trên Luật Phật không?
Đáp: Luật Phật được ghi chép trong Luật tạng, gồm có 6 trường phái Luật Phật giáo, từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 1 trước CN được truyền thừa bằng truyền khẩu, tức học thuộc lòng; từ thế kỷ 1 trước CN mới chính thức in thành văn bản gồm: (1) Luật tạng Thượng tọa bộ (Theravāda Vinaya, 上座部律藏), (2) Luật Tứ phần (Dharmaguptaka), (3) Luật ngũ phần (Mahīśāsakavinaya,五分律), (4) Luật thập tụng (Sarvāstivādavinaya,十 誦 律), (5) Luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahāsāṃghikavinaya, 摩訶 僧 祗 律) và (6) Thuyết nhất thiết hữu bộ luật (Mūlasarvāstivāda-vinaya, 根本一切有部律) được dịch sang tiếng Trung Quốc trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ V CN; đang khi bộ Căn bản thuyết nhất thiết Tỳ-nại-da (Mūlasarvāstivāda) đã được dịch sang tiếng Trung Quốc vào đầu thế kỷ VIII và sang tiếng Tây Tạng vào cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ IX CN. Hễ là người xuất gia, làm tăng ni thì không ai được quyền đứng trên Luật Phật, ngược lại, người xuất gia chịu sự điều chỉnh của Luật Phật. Tất cả các tổ chức và giáo hội Phật giáo trên toàn cầu đều tuân thủ Luật Phật do chính đức Phật quy định, được ghi chép trong 6 bộ Luật trên.

3) Hỏi: Các tương đồng và dị biệt của các trường phái luật về điều giới dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni?
Đáp: 6 trường phái Luật chỉ khác nhau về số lượng điều giới dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo. Quy định về nguyên nhân chế định giới luật, nội dung từng điều giới, cấu trúc của Giới bổn đều giống nhau. Về cấu trúc, Giới bổn Tỳ-kheo (P. bhikkhu Pātimokkha, S. Bhikshu Pratimokṣa, 比丘戒本) là sách quy định về giới luật dành cho Tăng của 6 trường phái Luật đều thống nhất cấu trúc có 8 phần gồm: (1) Ba-la-di (pārājika) tội nghiêm trọng dẫn đến hình phạt bị trục xuất vĩnh viễn; (2) Tăng tàn (saṅghādisesa) các tội đòi hỏi hình phạt bị biệt chúng và làm phép ý hỷ; (3) Bất định (aniyata); (4) Ưng xả đối trị (nissaggiya pācittiya); (5) ưng đối trị (pācittiya) gồm 92 giới nhỏ liên quan đến những vi phạm nhẹ, (6) ưng phát lồ (patidesanīya); (7) ưng học (sekhiyavatta); (8) giải quyết tranh chấp (adhikarana-samatha). Giới bổn Tỳ-kheo-ni chỉ có 7 phần, bỏ đi phần 3 (bất định); 7 phần còn lại đều giống nhau. Về số lượng giới điều dành cho Tăng gồm 250 giới điều của Tỳ-kheo đối với Luật Tứ phần (Dharmaguptaka vinaya), 227 điều đối với Luật Thượng tọa bộ (Theravāda vinaya), 251 điều đối với Luật ngũ phần (Mahīśāsaka vinaya), 218 điều đối với Luật Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika vinaya), 263 điều đối với Luật Thập tụng (Sarvāstivāda vinaya) và 249 điều đối với Luật Căn bản thuyết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda vinaya). Về giới điều dành cho Ni gồm 348 giới điều của Tỳ-kheo-ni theo Luật Tứ phần (Dharmaguptaka vinaya) hoặc 311 giới điều theo Luật Thượng tọa bộ (Theravāda vinaya), 380 điều đối với Luật ngũ phần (Mahīśāsaka vinaya), 290 điều đối với Luật Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika vinaya), 354 điều đối với Luật Thập tụng (Sarvāstivāda vinaya) và 346 điều đối với Luật Căn bản thuyết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda vinaya).


PHẦN II: NGƯỜI TRỘM TĂNG TƯỚNG THEO LUẬT PHẬT


4) Hỏi: Thế nào là người trộm tăng tướng và tặc trụ theo giới luật được Phật quy định?
Đáp: người trộm tăng tướng trong Luật Phật giáo gọi là “theyyasaṃvāsaka” thường được dịch trong Hán cổ là “tặc trụ” (賊住) nghĩa là “giặc đang ở trong “Phật giáo]”. Đây là thuật ngữ chỉ những người có ý đồ bất chính, tự ý cạo đầu, tự đắp ba y (y thượng, y trung, y hạ), tự mang bình bát (paṭṭa) với hình tướng người xuất gia (saṃvāsaka) tức cạo đầu, đắp y, cầm bát mà không trải qua nghi thức xuất gia, nghi thức thọ giới hợp pháp theo quy định của Luật Phật. Họ mạo nhận mình là Tỳ-kheo để tự nuôi sống bằng khất thực hay trục lợi cá nhân. Để ngăn chặn tình trạng này, Phật giáo chủ trương: (1) Tăng đoàn không công nhận người trộm tăng tướng là Tỳ-kheo hợp pháp, (2) Người trộm tăng tướng không được thọ đại giới, tức không được trở thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thực thụ, (3) Mọi hành động của người trộm tăng tướng đều vô hiệu bao gồm không được khất thực, thuyết pháp, làm Phật sự. Tăng đoàn cần cảnh giác và ngăn chặn hành vi của người trộm tăng tướng để bảo vệ sự thanh tịnh của Tăng đoàn. Việc ban hành điều luật này nhằm giải quyết vấn đề những người mạo nhận mình là Tỳ-kheo để trục lợi cá nhân, gây tổn hại đến danh tiếng của Tăng đoàn và làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của Phật giáo.

5) Hỏi: Xin cho biết thuật ngữ “người trộm tăng tướng” trong Pali và quy định cụ thể của Luật Phật?
Đáp: Trong Luật Phật bằng tiếng Pali, khái niệm người trộm tăng tướng là “theyyasaṃvāsaka” có nghĩa đen là “kẻ sống chung [tăng đoàn] theo lối trộm cắp.” Chú Giải Luật tạng Phật giáo Nguyên thủy (VinA. v, 1016-1017) đề cập 3 loại người trộm tăng tướng như sau: (1) kẻ trộm tướng mạo tăng sĩ (liṅgatthenaka) nghĩa là kẻ tự mình cạo đầu, tự mình xuất gia (dù ở nhà, đi ngoài đường, hay ở tu viện; có biết hay không biết gì về các điều quy định của Luật Phật, (2) kẻ trộm tăng tướng về cộng trú (saṃvāsatthenaka) giả dạng làm tu sĩ, nói dối mình là tỳ-kheo, vào chùa ở; dù có biết chút ít về Luật Phật, (3) kẻ trộm tăng tướng theo hai cách (ubhayatthenaka) nghĩa là người tự cạo đầu, tự xuất gia, tự xưng là tỳ-kheo, vào chùa ở, có biết chút ít về Luật Phật.

6) Hỏi: Xin cho biết người tự cạo đầu, tự đắp y, tự xưng là tăng sĩ Phật giáo, khi vi phạm “ăn trộm tăng tướng” thì Luật Phật quy định thế nào?
Đáp: Trong tụng phẩm thứ chín, thuộc Đại phẩm của Luật tạng Phật giáo nguyên thủy có kể câu chuyện do tôn giả Upāli hỏi đức Phật về việc một cư sĩ nam, tự cạo đầu, tự đắp y, tự khất thực. Đức Phật đưa ra quy định không cho người trộm tăng tướng làm tăng sĩ trọn đời. Nghĩa là phạm tội tẫn xuất, không được làm tăng sĩ. Bản dịch của thầy Indacanda như sau: https://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/04/04_03.html
“9. Sau đó, người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã tự mình chuẩn bị y bát, cạo bỏ râu tóc, khoác lên các mảnh vải màu ca-sa, đi đến tu viện, và đảnh lễ các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đại đức, đại đức được bao nhiêu năm?” - “Được bao nhiêu năm? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?” - “Này đại đức, ai là thầy tế độ của đại đức?” - “Thầy tế độ? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?” Các vị tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này: “ - “Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người đã xuất gia này đi.”
 “10. Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu)[5] chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ đã đi theo ngoại đạo chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.”

III. VÌ SAO ĐỨC PHẬT KHÔNG KHÍCH LỆ HẠNH ĐẦU-ĐÀ KHỔ HẠNH 


7) Hỏi: Hạnh đầu-đà là gì?
Đáp: Đầu-đà (頭陀) trong tiếng Pali và Sanskrit là “dhūta,” và “dhūtaṅga” có nghĩa đen là “loại bỏ”, “vứt bỏ”, “rũ bỏ”, cụ thể là “từ bỏ đời sống xa hoa, hưởng thụ”, giúp người tu đầu-đà có thể “loại bỏ ái dục” và “từ bỏ sự nhiễm đắm dục lạc trần gian.” Hạnh đầu-đà là lối sống khổ hạnh ép xác về cách dùng pháp phục, ăn uống và chỗ ở, vốn không phù hợp với chủ trương trung đạo của đức Phật. Thi thoảng vẫn có vài thành viên tăng đoàn thích tu khổ hạnh. Lối tu khổ hạnh đầu-đà vì ít người có thể làm được nên những người tu đầu-đà thường được quần chúng ngộ nhận là thánh sống, Phật sống nên đã hết lời tán dương, đảnh lễ, thần tượng hóa một cách cực đoan. Ai đụng đến nhân vật tu đầu-đà được thần tượng sẽ dễ bị xúc phạm, xuyên tạc. Xem mười hai hạnh đầu-đà; mười ba hạnh đầu-đà. 

8) Hỏi: Đức Phật có tu hạnh đầu-đà, khổ hạnh không? 
Đáp: Lúc mới đi tu, đức Phật tu đầu-đà số một. Khoảng 6 tháng sau khi đi bỏ cơ hội làm vua nước Sakya, xuất gia tu học, đức Phật đã tu khổ hạnh tại Khổ hạnh lâm (Dungeswari), thị trấn Gaya, tiểu bang Magadh (nay là bang Bihar) khoảng 6 năm. Cách tu đầu-đà của Phật khắc nghiệt hơn bất kỳ ai. Mỗi ngày chỉ ăn một trái táo, sau đó, chỉ ăn một hạt gạo. Do ăn quá ít, đức Phật đã kiệt sức hoàn toàn “ngã quỵ, úp mặt xuống đất,” xuýt chết. 

9) Hỏi: Kinh nào đề cập đức Phật tu khổ hạnh?
Đáp: Kinh Sử Tử Hống thuộc Kinh Trung Bộ I, 80 kể lại cách tu đầu-đà khổ hạnh của Phật không ai sánh bằng. Đoạn kinh do HT. Thích Minh Châu dịch như sau: 
“Này Sāriputta, trong khi Ta Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu […] trong khi ta chỉ sống ăn một hột gạo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột của một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo, khô cằn. Này Sāriputta, nếu Ta nghĩ: “Ta hãy sờ da bụng”, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống”, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sāriputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sāriputta, nếu Ta nghĩ: “Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện”, thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sāriputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thời này Sāriputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.”

10) Hỏi: Có phải đức Phật giác ngộ chân lý do tu đầu-đà khổ hạnh không?
Đáp: Theo lời tâm tình của Phật, nhờ bỏ lối tu khổ hạnh, rời núi Khổ hạnh, đi khoảng 8km đường chim bay, đức Phật đến Bồ-đề Đạo tràng, chuyên tâm tu thiền định và con đường trung  đạo, nhờ đó, giác ngộ, giải thoát.
“Sau khi từ giả hai vị đạo sư đạo Bà-la-môn, Ta tu khổ hạnh trong suốt sáu năm, không ai sánh bằng. Vì ăn quá ít, tay chân của Ta óm như cọng cỏ, cây leo khô héo. Bàn trôn của Ta như móng lạc đà. Xương sống phô bày như một chuỗi banh. Xương sườn gầy mòn như rui nhà nát. Con mắt của Ta không còn long lanh, nằm sâu hun hút. Da đầu nhăn nheo, như trái bí đắng ngả màu xám trắng, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo. Da bụng của Ta bám sát xương sống, đen đuốt xấu xí. Khi đi vệ sinh, Ta đã té gục, úp mặt xuống đất. Lông tóc hư mục, rời khỏi thân ta. Ta tự xoa bóp cơ thể của Ta, toàn thân, tay, chân thật là đau nhức. Từ nhận thức này, Ta quyết từ bỏ pháp tu khổ hạnh của Bà-la-môn. Ta rời núi Khổ, đi thẳng về hướng Bồ-đề Đạo tràng, chuyên tâm thiền định, suốt bốn chín ngày.” (Kinh Sử Tử Hống thuộc Kinh Trung Bộ I, 80).

11) Hỏi: Thiền định mà đức Phật giác ngộ, sau khi bỏ lối tu đầu-đà khổ hạnh, là gì?
Đáp: Phương pháp thiền định (P. jhāna samādhi; S. dhyāna samādhi, 禪定) mới do đức Phật khám phá là bốn thiền. Đoạn Kinh Trung Bộ I, 240, đức Phật mô tả gồm: (1) ly dục sinh hỷ lạc, (2) định sanh hỷ lạc, (3) ly hỷ diệu lạc, (4) xả niệm thanh tịnh. Đoạn kinh như sau:
“Này các đệ tử, rồi Ta suy nghĩ: Ta đang ngồi dưới bóng mát Bồ-đề, chuyển hóa ái dục, ly bất thiện pháp, thanh tịnh tâm ý, chứng thiền thứ nhất, trạng thái hỷ lạc do lìa ái dục, còn tầm, còn tứ; chứng thiền thứ hai, trạng thái hỷ lạc do nội định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm; chứng thiền thứ ba trụ xả, lìa các hỷ lạc, chính niệm, tỉnh giác, cảm nhận hạnh phúc do biết buông xả; chứng thiền thứ tư buông bỏ tất cả ý niệm, không còn khổ vui, thanh tịnh tuyệt đối. Ta nhận ra rằng đây là con đường đưa đến an lạc, giác ngộ, niết-bàn.” (Kinh Trung Bộ I, 240).

12) Hỏi: Hạnh tu đầu-đà có phải do đức Phật quy định cho tăng đoàn, ni đoàn không?
Đáp: Dĩ nhiên là không. Đức Phật suýt chết vì lối tu đầu-đà khổ hạnh trong 6 năm ở Khổ hạnh lâm, nếu không có thôn nữ Sujata dâng bát cháo sữa giúp ngài phục hồi thể lực. Khổ hạnh lâm ngày nay là Dungeswari, cách Bồ-đề Đạo tràng 24km, thuộc thị trấn Gaya, tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Sau khi từ bỏ lối tu đầu-đà khổ hạnh ép xác, đức Phật khám phá con đường trung đạo, còn gọi là bát chánh đạo (tầm nhìn chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành động chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, niệm chân chánh, thiền định chân chánh). Nhờ tu tập trung đạo, sau 49 ngày thiền định, đức Phật chứng đắc đạo quả giác ngộ, giải thoát.

13) Hỏi: Đầu-đà có phải là cách tu số một không?
Đáp:
Đầu-đà là cách tu khổ hạnh, chứ không phải là pháp môn. Tu khổ hạnh ép xác có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo. Các đạo sĩ Ấn Độ giáo và Kỳ-na giáo tin rằng bằng phương pháp tu khổ hạnh ép xác, họ có thể giác ngộ giải thoát. Bằng phương pháp thực chứng, đức Phật từ bỏ đầu-đà khổ hạnh ép xác. Đức Phật chỉ truyền bá trung đạo. Do đó, đầu-đà chẳng những không phải là cách tu số một, mà còn là một trong 2 cực đoan nên tránh, được đức Phật cảnh báo trong bài kinh đầu tiên tại Vườn Nai.

14) Hỏi: Bài kinh nào thể hiện chủ trương của đức Phật kêu gọi từ bỏ đầu-đà khổ hạnh ép xác?
Đáp: Bài kinh đầu tiên  được đức Phật dạy ở Vườn Nai cho năm đồng tu có tên gọi là Kinh chuyển pháp luân (Pali: Dhammacakkappavattana Sutta; Sanskrit: Dharmacakrapravartana Sūtra; 轉法輪經). Trong kinh này, đức Phật dạy từ bỏ hai cực đoan gồm hưởng thụ và đầu-đà khổ hạnh ép xác như sau: “Này các đệ tử, có hai cực đoan mà người xuất gia cần nên từ bỏ, đó là (1) hưởng thụ khoái lạc giác quan phàm tục, thấp kém, không xứng hạnh thánh, và (2) tu khổ hạnh, hành hạ thân thể vốn là khổ đau, hoàn toàn vô ích, không xứng hạnh thánh. Nhờ từ bỏ được hai cực đoan này, Như Lai khám phá con đường Trung đạo, có thể mang lại tầm nhìn, tri kiến, đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, niết-bàn an vui. Trung đạo đó là con đường tám chính: Tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành vi chân chính, nghề nghiệp chân chính, siêng năng chân chính, chính niệm, chính định. Đây là Trung đạo mà đức Như Lai đã chứng ngộ được.”

PHẦN IV: 5 HẠNH ĐẦU-ĐÀ CỦA DEVADATTA, 12 VÀ 13 HẠNH ĐẦU-ĐÀ RA ĐỜI VÀO THẾ KỶ 5 SAU CN


15) Hỏi: Nghe nói mặc dù đức Phật chủ trương lối tu trung đạo, tránh xa hai cực đoan gồm hưởng thụ khoái lạc (đối với người tại gia) và khổ hạnh đầu-đà ép xác (đối với người xuất gia), cũng có tăng sĩ thời Phật, cụ thể và thầy Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) anh em bà con với đức Phật chủ trương 5 hạnh đầu-đà? Quan điểm đức Phật về việc này?
Đáp: Dựa vào Tiểu phẩm thuộc Luật tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy (Cullavagga, V11.3), để lên kế hoạch ly gián tăng đoàn, làm giảm uy tín của đức Phật, Devadatta đề xuất 5 hạnh đầu-đà bắt buộc, trong đó, 4 điều đầu-đà từ 1-4 từ thế kỷ 5 sau CN được phát triển thành 12-13 hạnh đầu-đà. Năm hạnh đầu-đà của Devadatta gồm:
(1) Tỳ-kheo phải sống trong rừng (āraññaka, a-lan-nhã, nơi hoang vắng). Đi vào thị trấn là phạm tội.
(2) Tỳ-kheo phải sống dựa vào khất thực (piṇdapātika). Ai nhận thực phẩm được thỉnh mời tại nhà (trai tăng) là phạm tội.
(3) Tỳ-kheo phải đắp y làm bằng vải vụn từ bãi rác (paṃsukūlika, y phấn tảo). Ai nhận y do Phật tử cúng dường là phạm tội.
(4) Tỳ-kheo phải ngủ dưới gốc cây (rukkhamūlika). Ai ngủ trong phòng, trong chùa là phạm tội.
(5) Tỳ-kheo phải ăn chay trường. Ai ăn cá hoặc thịt là phạm tội (Một số nguồn thay “sữa và bơ” thay vì “cá và thịt.”).
Lấy cớ đức Phật không chấp nhận các tăng sĩ tu hạnh đầu-đà khổ hạnh, Devadatta đã từ bỏ đức Phật và tăng đoàn ở Ma-kiệt-đà, đi đến Vesāli (Sanskrit: Vaiśālī), thuyết phục 500 tăng sĩ gốc Vajji (Sanskrit: Vṛji) ly khai đức Phật và thành lập tăng đoàn riêng tại Gayāsisa. Hành động chia rẽ tăng đoàn của Devadatta dựa vào 5 hạnh đầu-đà do ông tự chế ra đã vi phạm hai điều cấm kỵ theo Luật Phật gồm (1) Phá hòa hợp tăng (壞和合僧), (2) Phá pháp luân Tăng (破法輪僧). Đây là điều được ghi trong mục Phá tăng kiền-độ (saṅghabhedakkhandhaka, 破僧犍度) thuộc Luật tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy và 5 trường phái luật Phật giáo còn lại. Nói cách khác, tu hạnh đầu-đà khổ hạnh sẽ thu hút sự hiếu kỳ và thần tượng từ quần chúng, không phù hợp với con đường trung đạo của đạo Phật, đã từng xảy ra trong thời đức Phật. Devadatta đã bị trục xuất khỏi tăng đoàn vĩnh viễn vì chủ trương tu hạnh đầu-đà khổ hạnh và phá hòa hợp tăng trong việc kéo theo 500 tăng sĩ thiếu hiểu biết đã ly khai đức Phật và tăng đoàn.

16) Hỏi: Ai là tác giả thực sự của 13 hạnh đầu-đà?
Đáp: Dĩ nhiên tất cả các hạnh đầu-đà, dù là 12 hạnh hay 13 hạnh, đều không phải do đức Phật quy định cho người xuất gia. Chính đức Phật đã nghiêm cấm Devadatta không được truyền bá 5 hạnh đầu-đà. Chính đức Phật suýt chết về hạnh đầu-đà và kêu gọi từ bỏ lối tu khổ hạnh ép xác. Sách Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) của Buddhaghosa ra đời trong thế kỷ 5, tức hơn 10 thế kỷ kể từ khi đức Phật qua đời, đề cập đến 13 khổ hạnh vốn không thích hợp với con đường trung đạo của Phật nhưng thi thoảng vẫn có một vài tăng sĩ chọn tu theo, gồm: (1) hạnh mặc y phấn tảo, (2) hạnh mặc ba y, (3) hạnh khất thực, (4) hạnh khất thực từng nhà, (5) hạnh ăn trong một lần, (6) hạnh ăn bằng bát, (7) hạnh không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong, (8) hạnh ở rừng, (9) hạnh ở gốc cây, (10) hạnh ở đất trống, (11) hạnh ở nghĩa địa, (12) hạnh nghỉ chỗ nào cũng được, (13) hạnh ngủ ngồi. Phân loại nội dung của 13 hạnh đầu-đà: (a) Liên quan ăn uống gồm 5 điều (điều 3-7), (b) Liên quan mặc y và chất liệu của y: gồm 2 điều (điều 1, 2), (c) Liên quan chỗ ngủ nghỉ có 6 điều (8-13). Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được” (điều 12); hạnh ăn bằng bát (điều 6) không thuộc đầu-đà, khổ hạnh. Lưu ý, hạnh đầu-đà không phải giới luật, không thể cao hơn giới luật xuất gia của đức Phật. Hạnh đầu-đà không phải là pháp môn tu. Do đó, người chỉ tu hạnh đầu-đà không thể giải thoát. 

17) Hỏi: Trong kinh chữ Hán, kinh nào đề cập đến 12 hạnh đầu đà? Nội dung cụ thể?
Đáp: Mười hai hạnh đầu-đà (十二頭陀行) được đề cập trong Kinh 12 hạnh đầu-đà (十二頭陀經), một bài kinh chữ Hán xuất hiện vào khoảng thế kỷ 4-5 ở Trung Quốc; không có bản tương đương trong Kinh điển Pali và kinh điển Tây Tạng gồm: (1) ở nơi hoang dã (在阿蘭若處), (2) thường đi khất thực (常行乞食), (3) khất thực theo thứ tự (次第乞食), (4) ăn trong một lần (受一食法), (5) ăn có chừng mực (節量食), (6) đang ăn, ăn xong không uống nước ép (中後不得飲漿), (7) mặc y vá xấu (著弊納衣), (8) mặc ba y (但三衣), (9) ngủ ở nghĩa địa (塚間住), (10) ngủ dưới gốc cây (樹下止), (11) ngủ ở đồng trống (露地坐), (12) ngủ ngồi không nằm (但坐不臥). 

18) Hỏi: Trong hai nguồn tư liệu về hạnh đầu-đà đều có đề cập đến “ngủ ở nghĩa địa”. Ở Ấn Độ thời Phật có nghĩa địa không?
Đáp: “Sống trong nghĩa địa” không có trong văn hóa tống táng của Ấn Độ thời Phật, thế kỷ 6 trước CN cho đến năm 1757, trước thời điểm đế quốc Anh cai trị vì nước này không có văn hóa “thổ táng.” Điều 9 trong 12 hạnh đầu-đà của kinh này và điều 11 trong 13 hạnh đầu-đà của Buddhaghosa có nội dung giống nhau “hạnh ở nghĩa địa” có khả năng rất cao ra đời ở Trung Quốc, vốn là nước có truyền thống “thổ táng” mới có nghĩa trang. Văn hóa tống táng của Ấn Độ cổ đại cho đến hiện đại chú trọng “hỏa táng” sau đó “thủy táng” xuống sông gần nhất nên không có nghĩa trang. Cũng có khả năng 12 hạnh đầu-đà trong Kinh 12 hạnh đầu-đà xuất hiện trước, ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, không phải của đức Phật ở Ấn Độ, đã tác động lên quan điểm “13 hạnh đầu-đà của Buddhaghosa nêu ra trong tác phẩm của ông Thanh tịnh đạo, nghĩa là chủ trương đầu-đà khổ hạnh không phải của đức Phật, được thêm vào khoảng 11 thế kỷ tính từ thời điểm đức Phật qua đời.

19) Hỏi: Có phải tất cả hạnh trong 13 hạnh đầu-đà đều là hạnh đầu-đà khổ hạnh đúng nghĩa?
Đáp: Vì được biên tập ít nhất 11 thế kỷ sau khi đức Phật qua đời, 13 hạnh đầu đà trái với lối tu trung đạo của đức Phật. Trong đó, các điều như “giường ngủ phù hợp” (đầu-đà 5/13) tương đương với “Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được” (đầu-đà 12/13); hạnh ăn bằng bát (đầu-đà 6/13) không thuộc đầu-đà, khổ hạnh. 

20) Hỏi: Hạnh đầu-đà có phải là giới luật không, có cao hơn giới luật do Phật chế định?
Đáp: Đối chiếu với của các trường phái Luật Phật giáo, hạnh đầu-đà không tương đương với các điều giới được Phật dạy trong các Giới bổn Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni (xem phần đáp của câu hỏi 3) gồm Giới bổn Thượng tọa bộ (Theravāda Pātimokkha); Giới bổn Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika Pratimokṣa) có mã số T.1425 trong Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh; Giới bổn Hóa Địa bộ (Mahīśāsaka Pratimokṣa) có mã số T.1421, Giới bổn Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka Pratimokṣa) có mã số T.1428, Giới bổn Thuyết Nhất thiết bộ (Sarvāstivāda Pratimokṣa) có mã số T. 1435 và Giới bổn căn bản nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda Pratimokṣa) có mã số T. 1442. “Không ăn sau giờ ngọ” (hạnh đầu-đà 4/13) chính là giới thứ 8 trong 10 giới Sa-di/ Sa-di-ni. Hạnh chỉ mặc ba y (đầu-đà 2/ 13) được áp dụng chung cho tất cả người xuất gia. Do đó, tu hạnh đầu-đà chưa thể hoàn thiện giới, một phần ba của trung đạo được đức Phật khám phá và truyền bá. Hai phần ba con đường giải thoát còn lại gồm trí tuệ và thiền định.

21) Hỏi: Hạnh đầu-đà có phải là pháp môn tu?
Đáp: Hạnh đầu-đà chỉ là lối sống khổ hạnh ép xác, do đó, không phải là pháp môn tu tập. Do đó, người chỉ tu hạnh đầu-đà không thôi thì không thể đạt được giác ngộ và giải thoát. Trong hơn 17.000 bài kinh Pali, hay hơn 17.000 bài kinh A-hàm, hoặc khoảng 2.000 bài kinh Đại thừa không có kinh nào đức Phật nói “hạnh đầu-đà là giới luật.” Không có kinh nào nói giải thoát nhờ tu hạnh đầu-đà. Thực ra, tu hạnh đầu-đà là tu “ hạnh khó làm được,” chưa phản ánh nội hàm tu tập tâm linh quan trọng gồm giới, định, tuệ được đức Phật giảng dạy trong Kinh của Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Kim cương thừa. Do đó, bất kỳ ai tu 12 hay 13 hạnh đầu-đà suốt một kiếp người cũng  không thể đạt được giác ngộ, giải thoát. Vì theo đức Phật, người giác ngộ, giải thoát phải hoàn thiện trí tuệ, đạo đức, thiền định.

22) Hỏi: Khó nhất của hạnh đầu-đà là ngủ ngồi. Người ngủ ngồi có dễ giải thoát hơn người ngủ nằm không?
Đáp: Để ngủ ngồi, ngoài cơ địa tốt và sức khỏe tốt, nhất là thận tốt, cần kiên trì rèn luyện để thích nghi với “không nằm.” Ngủ ngồi cũng chỉ một tư thế ngủ, không vì thế, giúp bạn trở nên thánh thiện; đạt được giác ngộ, giải thoát. Con dơi ngủ treo ngược chân. Ngựa luôn ngủ đứng. Rất nhiều loài chim ngủ ngồi. Vẹt ngủ đứng một chân. Cá mập, cá voi ngủ lơ lửng trong nước. Các loài động vật này có tư thế ngủ đặc biệt hơn con người nhưng đâu có con nào trong số đó trở nên thánh thiện, giác ngộ, giải thoát. Giác ngộ, giải thoát nhờ giải phóng tham ái, sân hận, si mê và chấp thủ.

PHẦN V: AN CƯ VÀ Y
22) Hỏi: Trong mùa an cư kết hạ, người xuất gia và người tu hạnh đầu-đà có được phép đi khất thực không?

Đáp: 90 ngày mùa mưa, tăng ni không được đi khất thực, mà phải tập trung một trú xứ để kết giới an cư mùa mưa. Lý do tránh dẫm đạp côn trùng trên đường hành khất trong mùa mưa, mùa sinh nở của nhiều loại côn trùng. Thời gian an cư giúp tăng ni chuyên tu tập nhiều hơn gồm ngồi thiền, tụng kinh, nghe Pháp thoại, thực tập chánh niệm trong sinh hoạt thường nhật, nhất là học kinh nghiệm chiến thắng bản thân và kinh nghiệm hành đạo từ các bậc trưởng thượng. Phật giáo có những trường phái đề cao hạnh tu khắc kỷ trong thầm lặng, tránh xa nơi ồn náo. Hàng trăm trung tâm rừng thiền của Miến Điện và truyền thống thiền trong rừng (Forest tradition) của Thiền sư Ajahn Chah đều tu tập rất khắc kỷ nhưng tránh xa nơi ồn áo, nơi bị nhiễu loạn bởi truyền thông, không cho phép truyền thông tác nghiệp.

23) Hỏi: Chiếc y của tăng ni có được may bằng các màu các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen không?
Đáp:
là tăng ni mà mặc y bằng các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen  là vi phạm về màu y do đức Phật quy định.  Ai mặc y có các màu thuần màu xanh, thuần màu đỏ tươi, thuần màu tím, thuần màu đen, thuần màu đỏ tía, thuần màu hồng  thì phạm tội tác ác (Vin.i.306).

24) Hỏi: Y của Phật mặc y có màu gì?
Đáp: Đức Phật đắp y màu vàng giống màu mặt trời lúc hoàng hôn. Chú giải Kinh trường bộ là sách Sumaṅgalavilāsinī cho chúng ta biết đức Phật mặc y màu vàng (suvaṇṇavaṇṇe cīvare) như sau: “Sau khi ngồi kiết già trên bảo tọa cao mười bốn hắc tay quý báu như vàng, ngay phía trước cây bồ-đề cao năm mươi hắc tay quý như bạc, được nhánh bồ-đề che phía trên như chiếc lọng bằng ngọc ma-ni, trong chiếc y màu vàng như chồi non của cây bồ-đề, Thế Tôn đã chiến thắng ma lực khi mặt trời vừa lặn.” (Nguyên tác Pali: DA.i.59: “Cuddasahatthapallaṅkavaragato suvaṇṇapīṭhe ṭhapitaṃ rajatakkhandhaṃ viya paññāsahatthaṃ bodhikkhandhaṃ piṭṭhito katvā, upari maṇichattena viya bodhisākhāya dhāriyamāno, suvaṇṇavaṇṇe cīvare pavāḷasadisesu bodhiaṅkuresu patamānesu, sūriye atthaṃ upagacchante mārabalaṃ vidhamitvā.”) Bản dịch tiếng Thái mô tả thêm là “y màu vàng giống màu mặt trời lúc hoàng hôn.” (Nguyên tác tiếng Thái: “จีวรซึ่งมีสีเหมือนทองยามดวงอาทิตย์ใกล้จะอัสดงคต.” Mahamakut Buddhist Foundation (trans.) (2016), The Tipiṭaka and Commentaries Translation, vol. 11, (13th ed.), Mahamakutarajavidyalaya Press, Nakorn Pathom, p. 144.)

25) Hỏi: Y của tăng sĩ có màu hoại sắc. Vậy màu hoại sắc là màu gì? 
Đáp: Thời Phật, chiếc Y hoại sắc được nhuộm từ hỗn hợp phân bò (chakaṇena) và đất sét đỏ (paṇḍumattikā),  khiến cho y của các vị có màu sắc xấu, không đồng đều. Về sau, Phật cho phép dùng thuốc nhuộm từ rễ cây, thân cây, vỏ cây, lá cây, bông hoa, trái cây.  Mục đích mặc y hoại sắc để hủy đi màu sắc (vaṇṇabhedo), hủy đi giá trị (agghabhedo), hủy đi cảm giác dễ chịu do xúc chạm (phassabhedo). 

PHẦN VI: TẾ ĐỘ NGƯỜI XUẤT GIA


26) Hỏi: Thầy Tỳ-kheo tu bao nhiêu năm mới được phép tế độ đệ tử xuất gia?
Đáp:
Tư cách làm thầy của Tỳ-kheo theo Luật Ma-ha tăng-kỳ 28 (Đại tạng kinh Đại Chánh, tập Đại 22, tr.457c) được quy định như sau: Thầy Tỳ-kheo phải đủ 10 tuổi hạ mới được xuất gia đệ tử, nuôi đệ tử, truyền giới. Nói chung thành tựu 10 pháp: tuổi đủ 10 hạ Trì giới, học rộng A-tì-đàm, học rộng Tỳ-ni, học giới, học định, học tuệ, biết rõ pháp xuất tội, đủ khả năng chăm sóc người bịnh, có khả năng giải quyết những khó khăn cho đệ tử. 

27) Hỏi: Tỳ-kheo-ni tu bao nhiêu năm mới được phép tế độ đệ tử xuất gia?
Đáp:
Sư cô 12 tuổi hạ mới được độ người xuất gia: Luật Tứ phần 28 (Đại tạng kinh Đại Chánh, tập Đại 22, tr.761b-c) điều ba dật đề điều 131 quy định: “Tỳ-kheo-ni chưa đủ mười hai hạ (chính thức làm Sư cô 12 năm) nhận nuôi đệ tử xuất gia và truyền giới cho người là vi phạm ba-dật-đề.

28) Hỏi: Mỗi năm, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo được tế độ xuất gia cho bao nhiêu người?
Đáp: Một năm chỉ độ 1 người xuất gia: Luật Tứ phần 28 (Đại tạng kinh Đại Chánh, tập 22, tr.764a), ở ba-dật-đề điều 138, Phật quy định rằng tỳ-kheo-ni độ người xuất gia một năm một người, nếu độ hơn 1 người là phạm giới ba-dật-đề (yā pana bhikkhunī ekaṃ vassaṃ dve vuṭṭheyya, pācittiyam).

PHẦN VII: THẦN THÁNH HÓA VÀ XÚC PHẠM
29) Hỏi:
Người xuất gia tự xưng là thánh nhân, chứng đắc pháp thượng nhân, giác ngộ giải thoát mà đang khi vẫn là người phàm thì bị Luật Phật chế tài thế nào?
Đáp: Đạo Phật đề cao chân thật (Pali: sacca, Sanskrit: satya, 真理). Điều đạo đức thứ ba dành cho Phật tử là không được nói láo (Pali: Musāvāda-virata, 妄語戒). Người xuất gia nào vi phạm đại vọng ngữ (大妄语) tức tự cho mình là người chứng pháp thượng nhân (上人法) tức đã đắc đạo quả, thánh nhân, giải thoát, siêu phàm nhập thánh, đang khi vẫn đang là người phàm, được xem là hành động lừa dối nghiêm trọng đối với cộng đồng Phật giáo và quần chúng; hễ cố tình vi phạm thì người xuất gia phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời. Hậu quả của lời tuyên bố dối này sẽ tạo ra hướng dẫn sai lầm, làm hỏng và ngăn cản sự hướng về giác ngộ, giải thoát của người khác.

30) Hỏi: Một người xuất gia được đang là người phàm mà được người khác cố tình bơm phồng, dàn dựng, dẫn dụ để mọi người tin rằng người xuất gia đó đã chứng pháp thượng nhân, là thánh, là Phật thì có vi phạm luật Phật không?
Đáp:
Đại vọng ngữ (大妄语) tức cho mình chứng pháp thượng nhân (上人法) tức đã đắc đạo quả, thành thánh nhân, là Phật có hai hình thức biểu đạt. Trường hợp thứ nhất, tự mình tuyên bố sai sự thật rằng mình đã chứng thánh, là Phật sống. Trường hợp có bằng chứng xác thực thì vi phạm tội ba-la-di, bị hình phạt trục xuất khỏi tăng đoàn vĩnh viễn trọn đời. Trường hợp thứ hai, biết người khác bơm phồng mình, làm video, nói lời ca ngợi bằng nhiều hình thức khác nhau để dẫn dụ mọi người rằng đã chứng thánh quả, là Phật mà không đính chính vẫn bị xem là phạm giới đại vọng ngữ.

31) Hỏi: Mọi người được quyền lựa chọn “khen người tu đầu-đà” như một quyền tự do ngôn luận, nhưng vì sao nhiều người cố tình so sánh đối lập, so sánh loại trừ, so sánh khập khiễng nhằm mục đích “chỉ trích”, “chửi rủa”, “xúc phạm” tất cả Tăng, Ni tu tập trung đạo theo tinh thần Phật dạy?
Đáp:
Tăng ni không tu hạnh đầu-đà là vì họ trung thành với lời Phật dạy. Do đó việc ca ngợi người tu đầu-đà và biến điều này làm cái cớ để xúc phạm Phật giáo và Tăng Ni là “ma tăng” là không thể chấp nhận được. Vì xúc phạm Tăng, Ni là vi phạm luật pháp. Theo điều 38 Luật An ninh mạng 2016, hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để truyền bá thông tin, dữ liệu nhằm xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, hành vi thóa mạ, xúc phạm người khác trên mạng có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Tội này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Các tin khác