Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Tấn hương, Đốt liều.

 

   Tấn hương hay còn gọi là “đốt liều”, “thọ liều”, trên đầu của những người xuất gia có những chấm cháy tròn, tục gọi là “vết thẹo đốt hương”, trong Phật giáo gọi là “nhiệt đảnh” (đốt đầu).

  • Nguồn gốc của lễ tấn hương, đốt liều.

   Tấn hương hay còn cách gọi khác là đốt liều. Đây là sự phát nguyện đốt thân cúng dường Tam bảo trong các đại giới đàn trao truyn giới pháp cho Tăng Ni và các Phật tử phát tâm thọ trì giới Bồ tát.

   Tấn hương được xuất phát từ tinh thần phát tâm Đại thừa, thực hành Bồ tát đạo trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Vì mục tiêu thành Phật, cứu độ chúng sanh nên vị Bồ tát quyết không tiếc thân mạng, xả thân vì đạo (Đốt thân thể cúng dường chư Phật).

   

Giới tử tấn hương, đốt liều tại Đại giới đàn Niệm Nghĩa - Bến Tre 2022.
  • Xuất xứ của từ tấn hương được thấy trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm:

   “...Nếu như sau khi Như Lại diệt độ, giả như có Tỳ kheo phát tâm quyết định tu tập thiền định mà có thể đối trước hình tượng của Như Lai đốt một ngọn đèn, đốt một lóng tay, cho đến đốt một chấm hương trên thân thể của mình thì Như Lai nói rằng tất cả những nghiệp chướng nhiều đời của người này lập tức trả hết, và tuy thường sống ở thế gian nhưng đã vĩnh viễn thoát ly phiên não. Tuy chưa chứng được Vô Thượng Bồ Đề, nhưng người này đối với giáo pháp của Như Lai, tâm đã quyết định. Nếu như không làm được một chút về sự xả thân như vậy thì cho dù có đạt được vô vi, rồi cũng phải sanh trở lại làm người hoàn trả nợ cũ...(Lăng Nghiêm Kinh quyển 6).

   Đây chính là nói đến sự chân thành, quyết tâm tin Phật của người xuất gia. Vết sẹo chấm hương đó không phải chỉ có ở trên đầu mà là ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể cũng đều có thể làm được. Số lượng chấm hương trên đầu cũng không nhất định, có thể là một, hai, ba, sáu, chín, mười hai.

Làm dấu vị trí trước khi Tấn hương, đốt liều.

    Đốt hương trên đầu bắt đầu từ lúc nào còn phải đợi sự khảo chứng. Thế nhưng vào thời Đường và Tống dường như chưa thấy có tục lệ này. Ví dụ như pho tượng điêu khắc về chân thân của Ngài Giám Chân (688 - 763) - một bậc cao tăng đời Đường không thấy có vết tích của sự đốt hương trên đầu. Lại nữa, như tượng của Ngài Huyền Trang, một nhà lữ hành vĩ đại, một nhà dịch kinh vĩ đại, trên đầu đều không thấy vết tích của sự đốt hương.

  • Ý nghĩa của lễ tấn hương, đốt liều.

   Thường thấy, người phát tâm tấn hương tự nguyện đốt từ một liều hoặc ba liều hoặc nhiều hơn trên đỉnh đầu. Sau khi tấn hương xong, liều hương sẽ cháy thủng một phần da đầu, về sau để lại những vết sẹo hình chấm tròn trên đỉnh đầu rất ấn tượng.

    Khi tấn hương, người phát nguyện đốt thân phải trải qua cảm giác rất đau đớn vì da thịt bị đốt cháy liên tục trong hơn nửa giờ. Nhưng vì đó là một đại nguyện, một dấu ấn quan trọng trong đời tu, quyết xả bỏ thân mạng để "thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh" nên các giới tử kham nhẫn chịu đựng và vượt qua.

   Tấn hương, đốt liều là sự tự giác, phát nguyện đốt thân cúng dường của giới tử nên không bắt buộc. Tuy vậy, trong không khí trang nghiêm của giới đàn cùng với tiếng hòa âm nhiếp niệm trì tụng thần chú hoặc âm vang của tiếng niệm Phật, và quan trọng là hùng lực sung mãn của sơ tâm nên có rất nhiều giới tử phát tâm tấn hương, đốt liều sau đàn giới Bồ tát được thành tựu.

Sau khi đã định vị, vị trí liều thì người hộ đàn sẽ châm mồi cho hương cháy dần.
  • Nguồn gốc và ý nghĩa những dấu sẹo tròn trên đầu Tăng, Ni

Ý nghĩa sâu xa của 3 liều hương:

 1. Thể hiện lòng kính tin Tam Bảo.

2. Thể hiện cho ba thệ nguyện là: Đoạn trừ tập nhiễm và ý nghĩ xấu. Vun trông thiện nghiệp. Thủ đắc trí tuệ để giúp người khác thoát khổ.

3. Thể hiện cho sự cố gắng tu tập Giới, Định, Tuệ.

Tuy nhiên, cạo tóc hay tấn hương trên đầu dĩ nhiên không quan trọng bằng sự thể hiện cái nội dung cốt lõi mà hai điều này tượng trưng. Đó là cái tâm đoạn trừ phiên não, ly tham, kính tín Tam bảo, kiên trì tu tập, tinh tấn trong giải thoát.

Minh Châu

Các tin khác