thongbach

Hùn Phước Xây Tượng Quán Thế Âm

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô Đại từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát.

“Cam lồ nước quyện nhành dương,

Nhẹ nhàng trải giọt yêu thương điệp trùng.

Mở lòng quảng đại tinh thông,

Quan âm Bồ Tát ngăn dòng đớn đau.”

Xem chi tiết

SƠ LƯỢC CHÙA VẠN PHƯỚC

GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ CHÙA VẠN PHƯỚC

 

Khi đặt chân đến quê hương Đồng Khởi, là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, chúng ta lại hòa mình vào những hàng dừa xanh bạt ngàn và cảm nhận hương vị giải thoát của đạo Phật. Nằm sâu trong vùng quê hẻo lánh thuộc ấp Bình Chiến, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, lại hiện hữu một ngôi già lam Vạn Phước đầy nét uy nghi và cổ kín xen lẫn sự thanh tịnh, giải thoát.

Tọa lạc trên một khu đất rộng 12ha, chùa Vạn Phước được xem là ngôi chùa có diện tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh nhà. Không ai có thể ngờ rằng mảnh đất trước đây là đầm lầy, ao tù, nước đọng, mà bây giờ đã trở thành một ngôi già lam khang trang, nơi ươm mầm những hạt giống kế thừa mạng mạch Phật Pháp, kế vãng khai lai và đem chánh pháp của Như Lai lại gần hơn với cuộc sống của đồng bào Phật tử nơi đây.

Khi đến với ngôi già lam Vạn Phước, ấn tượng đầu tiên của chúng ta là một không gian rộng lớn, ngôi chùa được phủ lên mình một màu vàng tươi rực rỡ, màu của sự giải thoát trong đạo Phật. Đầu tiên là cổng Tam Quan, chiếc cổng được xây dựng theo một lối kiến trúc rất đặc biệt, gồm 4 ngọn tháp tượng trưng cho chân lý Tứ Diệu Đế là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bốn ngọn tháp tựa như ngòi bút viết lên nền trời xanh thẳm sự màu nhiệm của các chân lí mà đức cha lành Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ.

Tiếp đó, chúng ta sẽ được cảm nhận hương sen thanh khiết từ ao liên trì phảng phất và lan tỏa trong khắp khuôn viên của ngôi già lam. Những đóa hoa sen với sức sống mạnh mẽ đã vươn lên, vượt thoát khỏi lớp bùn nhơ đục, đua nhau khoe sắc, mang lại niềm hỷ lạc vô bờ. Ngoài ra, hoa sen còn là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên. Hoa sen có mặt công hầu hết các công trình của bổn tự từ cành hoa thực trong các hồ cho đến tòa sen mà chư Phật, Bồ tát an tọa và họa tiết hoa văn v.v...

Ngay cạnh ao liên trì là tượng đài của Đức Phật Di Lặc, người hiện đang là giáo chủ của cung trời Đâu Suất. Đức Di Lặc với nụ cười hiền dịu hòa vào ánh chiều tà của những buổi hoàn hôn tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng. Rất nhiều tâm huyết đã đổ xuống nơi đây chỉ vì một mục đích duy nhất là để cho Phật tử có nơi chiêm bái, đảnh lễ ngài. Xung quanh tôn tượng của ngài có chín con rồng với thần thái dũng mãnh như trực hầu, gìn giữ thánh tượng của vị giáo chủ hội Long Hoa. Tất cả đã tạo nên một dấu ấn riêng cho ngôi già lam Vạn Phước.

 Vào sâu hơn nữa, chúng ta sẽ bắt gặp một công viên tràn đầy hoa thơm và cây kiểng. Công viên ấy được sự chăm sóc tận tụy bằng đôi bàn tay của Chư Tăng trong bổn tự, đôi bàn tay dãi dầu nắng mưa với những nét chai sần nhưng lại tạo ra những vóc dáng mang đậm nét thiền môn. Bên cạnh đó còn có những dàn hoa lan với trên 50 giống loài khác nhau cùng hòa hợp, tạo nên những hành lan trải đầy hoa.

Tiếp đó là ngôi nhà thờ tượng của chủ tịch Hồ Chí Minh, vị chủ tịch đáng kính đã hi sinh cả cuộc đời mình để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Nằm đối diện với nhà thờ chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ngôi “Đại Hùng Bảo Điện”, nơi đây tôn thờ thánh tượng của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, Đức A Di Đà Phật, Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật cùng với xá lợi kim thân Đức Thích Ca và chư thánh Tăng. Hằng đêm tiếng mõ, lời kinh du dương, trầm bổng như đưa ta trở về với cõi tịnh, cảm nhận được hương vị của sự giải thoát. Ngoài ra, ngôi Đại Hùng Bảo Điện cò tôn thờ chân dung của sư tổ Mẫu Trầu Bồng Lai, người đã sáng lập nên tông phái Tịnh Độ Non Bồng.

Từ Đại Hùng Bảo Điện nhìn qua, nằm sát bên nhà thờ chủ tịch Hồ Chí Minh, là phòng phát hành, nơi trưng bày những pháp phục, pháp khí dành cho hàng Tăng sĩ và cư sĩ như : áo hậu, áo nhật bình, áo lam, chuông, mõ, chuỗi hạt...đáp ứng phần lớn nhu cầu thỉnh pháp phục, pháp khí của chư Tôn đức và quý Phật tử trên địa bàn huyện.

Tiếp tục cuộc hành trình, là đến nhà thờ tổ của bổn tự, chính tại nơi đây, ta sẽ được diện kiến tôn tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ nguyên khối, cao...m, tôn tượng chính là đại diện cho dòng chảy tâm linh của bao đời Chư tổ. Bên cạnh đó, nhà thờ tổ còn tôn thờ thánh tượng của Đức Phật Chuẩn Đề bằng đồng và được dát vàng toàn bộ từ kim thân đến bảo quang. Với không gian thoáng mát, Tổ đường cũng là nơi thường xuyên diễn ra những buổi pháp thoại, giúp truyền lưu mãi chánh pháp của Đức Thích Ca trong sự hỷ lạc vô bờ của tất cả mọi người.

Lần theo con đường được trải bê-tông sạch sẽ, chúng ta sẽ đến với một công trình được mọi người ca ngợi là tiên cảnh chốn trần gian, đó chính là “Liên Hoa Thất Bảo”. Với lối kiến trúc cung đình độc đáo, vừa cổ kín, vừa mang lại cảm giác thảnh thơi cho khách tham quan. Những làn gió nhẹ thổi lay nhành liễu ven bờ tạo nên những khúc nhạc thiền đi sâu vào lòng mỗi người. Những khúc nhạc ấy sẽ đưa ta trở về với sự tĩnh lặng mà bấy lâu ta đã đánh mất. Từng bước chân nhẹ nhàng tựa hồ như có những cánh hoa nâng đỡ đã làm cho tất cả mọi người khi đến với “Liên Hoa Thất Bảo” đều cảm nhận được sự an lạc thật sự trong nội tâm

Đi xa ra phía sau là khu trồng cây ăn trái cũng như rau củ để tự túc cho chùa. Những loại rau củ được quý thầy tận tâm chăm sóc, không dùng đến thuốc hóa học cho nên đảm bảo được hương vị thanh đạm nhất để làm ra những món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Dường như thấu hiểu được tấm lòng của quý thầy, những loại rau củ này đều sinh trưởng quanh năm, như góp một phần công đức cúng dường lên chư Tôn tịnh đức nơi đây.

Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình của chúng ta đó là khu Tăng xá của chùa,  đây là nơi sinh hoạt của chư Tăng trong bổn tự và cũng là nơi lưu trú cho khách Tăng ở các nơi có dịp viến thăm. Được xây dựng trên một ao nước trong xanh, hằng ngày có những làn gió mang theo hương vị giải thoát thổi qua mang đức hạnh thanh cao của quý thầy lan tỏa khắp mọi nơi.

Mặc dù còn đang trong quá trình xây dựng, nhưng hứa hẹn trong tương lai không xa, ngôi già lam Vạn Phước sẽ trở thành một chốn tòng lâm uy nghi. Với tất cả tâm thành quy kính, một lòng phụng sự Phật pháp của Chư Tăng và Phât tử nơi đây thì chắc chắn ánh sáng Phật pháp sẽ chiếu soi rực rỡ cả một vùng Duyên Hải Nam Bộ.

 

 

 

 

Các tin khác