HIỂU RÕ BẤT THIỆN PHÁP VÀ THIỆN PHÁP

HIỂU RÕ BẤT THIỆN PHÁP VÀ THIỆN PHÁP

[Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) nói]:

Chư hiền, khi một vị Thánh đệ tử hiểu rõ các bất thiện pháp và gốc rễ của bất thiện pháp, các thiện pháp và gốc rễ của thiện pháp, khi ấy vị Thánh đệ tử là người có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, người đã có lòng tin vững chắc vào Chánh pháp và đã thành tựu Giáo pháp chơn chánh này.

Chư hiền, và thế nào là bất thiện pháp, thế nào là gốc rễ của bất thiện pháp; thế nào là thiện pháp và thế nào là gốc rễ của thiện pháp? 

  1. Sát sanh là bất thiện,
  2. Lấy của không cho là bất thiện,
  3. Tà hạnh trong các dục là bất thiện,
  4. Nói láo là bất thiện,
  5. Nói hai lưỡi là bất thiện,
  6. Nói lời độc ác là bất thiện,
  7. Nói lời phù phiếm là bất thiện,
  8. Tham dục là bất thiện,
  9. Sân hận là bất thiện,
  10. Tà kiến là bất thiện.

 Như vậy gọi là các bất thiện pháp. Và thế nào là gốc rễ của bất thiện pháp?

  • Tham là gốc rễ của bất thiện,
  • Sân là gốc rễ của bất thiện,
  • Si là gốc rễ của bất thiện.

Như vậy gọi là gốc rễ của bất thiện pháp.

Và thế nào là thiện?

  1. Từ bỏ sát sanh là thiện,
  2. Từ bỏ lấy của không cho là thiện,
  3. Từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện,
  4. Từ bỏ nói láo là thiện,
  5. Từ bỏ nói hai lưỡi là thiện,
  6. Từ bỏ nói lời độc ác là thiện,
  7. Từ bỏ nói lời phù phiếm là thiện,
  8. Không tham dục là thiện,
  9. Không sân hận là thiện,
  10. Chánh kiến là thiện.

Như vậy gọi là các thiện pháp.

Và thế nào như thế nào là gốc rễ của thiện pháp?

  • Không tham là gốc rễ của thiện pháp,
  • Không sân là gốc rễ của thiện pháp,
  • Không si là gốc rễ của thiện pháp.

Như vậy gọi là gốc rễ của thiện pháp.

                                                (Trung Bộ Kinh, số 9, tr. 112-113)

Các tin khác