thongbach

Hùn Phước Xây Tượng Quán Thế Âm

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô Đại từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát.

“Cam lồ nước quyện nhành dương,

Nhẹ nhàng trải giọt yêu thương điệp trùng.

Mở lòng quảng đại tinh thông,

Quan âm Bồ Tát ngăn dòng đớn đau.”

Xem chi tiết

TT. Thích Trí Thọ - UV HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực GHPGVN tỉnh Bến Tre chia sẻ chuyên đề

TT. Thích Trí Thọ - UV HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực GHPGVN  tỉnh Bến Tre thăm và chia sẻ chuyên đề tại Trường hạ chùa Vạn Phước.


Sáng nay, ngày 23 tháng 5 năm 2022 tại Trường hạ chùa Vạn Phước đã cung đón TT. Thích Trí Thọ - UV HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực tỉnh Bến Tre chia sẻ Pháp thoại với chuyên đề “Duyên khởi và Ý Nghĩa 3 Y”.

TT Thích Thọ chia sẻ chuyên đề.


 TT. Thích Trí Thọ chia sẻ; Theo Luật tạng, chiếc y cà sa do đức Phật chế, được hình thành do lúc ban đầu, Tăng đoàn của Phật y áo không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimfbisara) của nước Ma-kiệt-đà (Magadha), một đệ tử của đức Phật, mới đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà (Ànanda) đang du hành phương Nam để thuyết giảng, Phật thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những đoạn bờ thẳng tăm tắp. Phật liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Vì thế, chiếc y cà sa mang hình những thửa ruộng, được chắp nối vào nhau bằng những mảnh vải như hình những thửa ruộng được ngăn cách bởi những đoạn bờ. Cũng vì thế trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn được gọi là cát triệt y, điền tướng y tức là áo hình thửa ruộng.


Nguồn gốc chiếc y cà sa còn được giải thích bằng một cách khác, đó là xưa kia, theo truyền thống Phật giáo, các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình nhuộm màu, chắp nối và may lấy áo để mặc. Bởi vậy. Chiếc y cà sa mới mang hình của các mảnh vải vụn được ráp nối với nhau. Ngày nay, tại một số tu viện lớn ở Srilanka hay Mianma vẫn còn giữ được truyền thống đó. Điều đó cho thấy chiếc áo cà sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và giản dị nhất mà ta có thể tưởng tượng ra. Nhưng đồng thời điều đó cũng toát lên một ý nghĩa hết sức lớn lao của chiếc áo cà sa trong đạo Phật, đó là để nhắc nhở các nhà tu hành Phật giáo về tấm thân vô thường của họ tại thế gian.
Chiếc cà sa của đạo Phật ngoài tác dụng để che thân còn có tác dụng như một tấm chăn đắp hay dụng cụ để ngồi, vì vậy, chiếc y cà sa còn có tên gọi là phu cụ (dụng cụ để đắp) hay tọa cụ (dụng cụ để ngồi). Kinh Bát nhã có kể chuyện Phật cùng với các đồ đệ sau khi khất thực về, ăn xong, Phật tự lau rửa bình bát, sau đó tự tay xếp áo cà-sa làm tọa cụ và ngồi lên đó để thuyết giảng. Có khi các đồ đệ lấy áo của mình xếp chồng lên nhau để Phật ngồi thuyết pháp.


Y cà sa được may theo hình chữ nhật, chia ra làm ba loại là tiểu, trung, đại. Tiểu y gọi là y An-đà-hội (Antaravasaka) là y mặc bên trong. Y An-đà-hội chỉ có 5 mảnh nên còn gọi là y ngũ điều, cả tấm y gồm mười miếng, cứ 1 miếng dài, 1 miếng ngắn ráp lại vào nhau theo chiều dọc gọi là một điều. Trung y gọi là y Uất-đa-la-tăng (Utarasangha) là y mặc ở trên y An-đà-hội. Y này gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, cứ 2 miếng dài thì 1 miếng ngắn ráp lại thành một điều. Đại y gọi là y Tăng-già-lê (Sangati) là y đắp ngoài của chư tăng. Y này gồm 9 mảnh nên còn gọi là y cửu điều. Cả tấm y gồm 27 miếng, mỗi hàng hai miếng dài một miếng ngắn ráp lại gọi là một điều. Luật Phật cũng quy định, tùy theo cấp bậc và đạo hạnh mà chiếc y Tăng-già-lê có thể có từ 9 đến 25 điều. Những vị càng đạo cao đức trọng càng có tấm y Tăng-già-lê nhiều điều.
Những người xuất gia tu hành mặc y cà sa hoại sắc cốt để che thân chứ không phải nghiêm sức để chau chuốt cho mình. Tăng đoàn, hoặc là mặc y cà sa chắp vá được từ các mảnh vải thừa nhặt được, hoặc là thụ nhận mọi loại vải dù là thô xấu cúng dường từ thiện tín rồi nhuộm đi để may mặc, cốt sao có y mặc mà thôi chứ không bận lòng phân biệt tốt xấu. Mỗi lần nhìn thấy chiếc y cà sa của mình vị tỳ kheo đều nhớ biết mình là người xuất gia mà lo tinh tấn với đạo nghiệp, nếu bỏ qua điều đó sẽ làm uổng phí đời sống xuất gia, uổng phí thiện tâm của đàn thí.


 

TT Thích Trí Thọ nhấn mạnh, Người xuất gia khoác lên người chiếc áo cà sa cũng là để tự kiểm chứng bản thân mình,giúp mình luôn giữ giới luật, không sân si, bám níu… Chiếc áo ấy đem đến sự an lạc và phát lộ lòng từ bi, giúp tăng trưởng trong tâm thức sự can đảm, tinh tấn, sức mạnh và trí tuệ để vượt qua những chướng duyên trên con đường tu tập....

Qua thời pháp thoại chư hành giả đã đưa ra những câu hỏi thắc mắc về vấn đề 3 y, qua đó làm cho nội dung của thời pháp thoại được phong phú và nhiều thắc mắc được giải đáp. 

Chư hành giả đặt câu hỏi.

 

Sau cùng, Thượng tọa Thích Trí Thọ bày tỏ niềm hoan hỷ khi nhận thấy được Trường hạ trang nghiêm, thanh tịnh và hòa hợp của chư hành giả tại hạ Trường chùa Vạn Phước, Thượng tọa sách tấn chư hành giả nỗ lực tinh tấn tu học trong 3 tháng nhằm thúc liễm thân tâm, khép mình trong nếp sống thiền môn để phát huy Giới-định-tuệ. 


Đại đức Thích Phước Minh – UV BTS tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực PG huyện Bình Đại, Thư ký hạ Trường đã thay mặt chư Hành giả dâng lời tri ân đến Thượng tọa Thích Trí Thọ. 
Đây là buổi học chuyên đề đầu tiên của Trường hạ chùa Vạn Phước, vì thế mà tinh thần cầu học của Chư Tăng nơi đây rất hoan hỷ khi lắng nghe những lời pháp thoại đầy ý nghĩa này.

Đại đức Thích Phước Minh dâng lời tri ân.

Tin ảnh: Phước Toàn.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:

 

 

Các tin khác