Ý NGHĨA 33 ỨNG HÓA THÂN QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện pháp tướng vô số vô biên không thể nghĩ bàn, ứng theo vô số cơ duyên, tùy theo thời gian, xứ sở khác nhau, biến hóa vô lượng thân hình, tuyên thuyết vô số giáo pháp, cứu hộ từng chúng sanh. Do đó, theo khả năng quán sát thành kính của tín ngưỡng này, khi đảnh lễ chiêm ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát chắc chắn sẽ có người ban ân huệ cho ta, hoặc đó là bậc hiền giả đời này, ngay cả cha mẹ, sư trưởng điều phải nên xem là Quán Thế Âm Bồ Tát để chúng ta lễ bái; tín ngưỡng người hiền, người trí, trời người, quỷ thần, hết thảy sức uy thần nơi họ điều là ứng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong các ứng hóa thân tồn tại này có Phạm thiên, có Tự tại thiên, có nữ thần Chuẩn Đề, có quỷ Dạ Xoa, cho nên 6 Quán thiên, 7 Quán Thế Âm, 8 Quán tự tại, 15 tôn Quán Âm, những con số này càng ngày càng gia tăng, dần dần biến thành 33 hình thể Quán Âm.
- Dương Liễu Quán Âm: còn có tên gọi khác là Dược Vương Quán Âm, tay phải cầm cành dương liễu là đặc trưng của tượng này. Bạt trừ cứu độ những bệnh khổ của chúng sanh là bổn nguyện của Ngài. Do đó, trong kinh có đoạn: “Nếu muốn trừ các bệnh trên thân, cần phải tu tập được pháp cành dương liễu”. Tượng Quán tự tại Dược vương tướng hảo trang nghiêm, tay phải cầm cành dương liễu, lộ lòng bàn tay trái ở trước ngực trái. Vì chúng sanh thân nhiều khổ nạn nên Ngài cầm cành dương, dương liễu mềm mại biểu trưng cho đức tướng ôn hòa nhẫn nhục của Quán Thế Âm Bồ tát. Tượng Bồ Tát Quán Âm lưu hành ở thế gian thì tay phải cầm cành dương liễu hoặc là cắm trong bình bên phải tòa vị, ngồi đoan nghiêm trên tảng đá bên dòng nước, thân mặc y màu trắng ngà, hình tượng của Ngài biểu hiện sự kỳ nguyện phước đức.
- Long Đầu Quán Âm: là Quán Âm cưỡi trên đầu rồng. Rồng là vua trong các loài thú để biểu thị cho uy lực của Quán Thế Âm Bồ tát. Từ xưa đến nay, người Ấn Độ rất tôn kính loài rồng (nàga), là bậc trưởng thượng nơi này được gọi là Long Vương hoặc Long thần, nên mọi người rất coi trọng sức mạnh của loài rồng. Họ cho rằng: “Đại Long vương từ biển lớn vọt lên trổi mây lớn trùm khắp hư không, phóng ánh sáng lớn như điện chớp, chiếu sáng trời đất, trút trận mưa lớn, làm thấm nhuần muôn vật”. Trong thần thoại Ấn Độ, rồng là tượng bán thân mặt người đuôi rắn, sống ở dưới đất hoặc ở núi Phổ-đà-lạc (Potala). Trong số ấy, có tám Đại long vương nghe Phật thuyết pháp, làm ngoại hộ cho Phật pháp. Nhờ tư tưởng này mà sinh ra ý tưởng Quán Âm cưỡi đầu rồng cũng là lẽ đương nhiên. Bức tượng họa Quán Âm cưỡi đàu rồng mà dân gian lưu truyền thường ngồi kiết già trên thân rồng gần áng mây hoặc là đứng trên thân rồng.
- Trì Kinh Quán Âm: chính là Quán Âm Thanh văn (sràvaka). Thanh Văn là nghe Phật thuyết pháp được khai ngộ mà xuất gia, tượng cầm quyển kinh là sắc thái đặc biệt của Ngài. Phẩm Phổ môn ghi: “Người đáng dùng thân Thanh Văn được độ thoát Ngài liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”. Hình tượng của Ngài biểu hiện sự an tường, tay phải Ngài cầm quyển kinh ngồi trên tảng đá, tay trái đặt lên đầu gối là sắc thái đặc tưng của tượng này.
- Viên Quang Quán Âm: chính là tình thương tròn đầy của Bồ Tát Quán Thế Âm, với lòng từ ái viên mãn, được biểu trưng bằng ánh quang minh quanh thân. Cho nên trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có đoạn: “Sáng thanh tịnh không nhơ, huệ nhựt phá các tối, hay tiêu tai khói lửa, khắp soi sáng thế gian”. Thân Ngài được cảm thọ qua đoạn kinh này, hiện tướng thuyết pháp. Hình tượng được họa vẽ trong Phật tượng đồ vựng đệ nhất, sau lưng có ánh sáng quần lửa, ngồi đoan nghiêm trên tảng đá là nét đặc trưng của tượng này.
- Du Hý Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát giáo hóa chúng sanh viên thông vô ngại, không câu nệ vào thời gian và nơi chốn, biểu hiện tướng du hý tự tại. Thân màu hồng, Ngài ngoảnh mặt chăm chú nhìn chúng sanh, hình tượng ngồi trên mây, đầu gối trái dựng thẳng, tay phải chống đỡ thân mình là nét đặc trưng của tượng này.
- Bạch Y Quán Âm (pàndaravasinì): còn gọi là Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu, Đại Bạch Y Quán Âm, Liên Hoa Bộ Mẫu của Mạn-đồ-la thai tạng giới, mật hiệu là Ly cấu kim cương. Thân hình Ngài màu trắng vàng, mặc áo trắng, ngồi kiết già trên hoa sen trắng, đầu dội mũ kết bằng tóc, tay trái cầm hoa sen nở màu trắng, lòng bàn tay phải hướng ra ngoài, năm ngón duỗi thẳng, kết ấn Dữ Nguyện. Màu trắng biểu ý Thanh Tịnh và Tâm Bồ đề, xưa nay mọi người lễ bái tôn tượng Quán Âm Bạch Y là để cầu nguyện tiêu trừ tai ách, kéo dài tuổi thọ, gọi là “Bạch Y Quán Âm” pháp hoặc là “Bạch xứ Tôn pháp”. Thất diệu nhương tai quyết có nói: “Nếu ai nương theo pháp này mà niệm tụng, tất cả tai nạn tự nhiên tiêu tan; tụng chân ngôn này, tát cả những điều không tốt lành sẽ trở nên tốt lành”.
- Liên Ngọa Quán Âm: là Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện với tư thế ngồi nghiêng trên lá sen. Phẩm Phổ môn so sánh thân Bồ Tát với thân tiểu vương nên lấy thân tôn quý của bậc tiểu vương ngồi nghiêng trên hoa sen để làm thí dụ. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi kết già hiệp chưởng, đầu đội mão hoa, hiện tướng từ bi nhu hòa, cổ đeo anh lạc, mặc thiên y, bi nhãn nhìn chúng sanh là nét biểu trưng của tượng này.
- Lũng Kiến Quán Âm: còn gọi là Phi Bộc Quán Âm. Nước là vật mềm mại nhất nhưng có thể đối trị sự cứng chắc của đá, từng giọt nước có thể xuyên thủng đá. Sức nước suối từ trên cao chảy xuống rất lớn, tuy nhỏ cũng có thể chảy thành sâu rộng. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi tựa núi đá nhìn dòng thác chảy xiết bên phải, nhưng tâm tư của Ngài như tinh thần của dòng nước. Tượng này biểu thị lời kinh trong phẩm Phổ môn; “Giả sử khởi lòng hại, xô rớt hầm lửa lớn, do sức niệm Quán âm hầm lử biến thành ao”.
- Thí Dược Quán Âm: là đức Quán âm ban cho thuốc hay chữa trị bệnh khổ về thân và tâm của chúng sanh. Bài kệ trong phẩm Phổ Môn ghi rằng: “Quán Âm bậc Tịnh Thánh, nơi khổ não nạn chết, hay vì làm nương cậy”. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát nhìn hoa sen cảm thương chúng sanh nhiều bệnh khổ. Tượng này ngồi trên tảng đá bên cạnh dòng nước, tay phải chống gò má, tay trái chống bên hông, mắt chăm chú nhìn hoa sen là nét đặc trưng của tượng này.
- Ngư Lam Quán Âm: là Quán Thế Âm tay cầm giỏ cá (giỏ bằng trúc) và nhánh lá, hay còn gọi là Quán Âm Trúc lộc ly. Do Ngài thấy con sông không có cầu, người qua sông rất dễ ngã xuống. Vì vậy Ngài hóa thân thành một mỹ nữ bán cá, nhưng có điều kiện rằng ai có nhiều tiền ném vào trong giỏ cá thì sẽ cưới làm chồng, nếu ném không trúng thì phải bỏ ra khoản tiền để xây cầu, kết quả chẳng có ai ném trúng. Những người không ném trúng đều phải mang tiền đến, tiền chất thành đống che khuất không còn nhìn thấy Ngài, khi nhìn lại thì mọi người thấy Ngài hóa thân đứng trên sông. Hình tượng Quán Âm tay trái cầm giỏ cá đứng trên sông là nét đặc trưng của hình tượng này.
- Đức Vương Quán Âm: trong phẩm Phổ Môn chép rằng: “Người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”. Phạm Vương là chủ tể trong cõi trời sắc giới, phước đức ưu việt, nên còn gọi là Đức Vương. Hình tượng ngồi trên tảng đá, tay phải cầm chiếc lá xanh, tay trái đặt trên đầu gối là nét đặc trưng của hình tượng này.
- Thủy Nguyệt Quán Âm: tức là Thủy Cát Tường Quán Thế Âm Bồ tát, Mật giáo chỉ gọi là Thủy Cát Tường Bồ Tát (Daka-srì), mật hiệu của Ngài là Nhuận Sanh Kim Cương, Quán Thế Âm Bồ tát nhất tâm quán thủy tướng, nhập thủy định. Vì vậy hình tượng của Ngài ngồi kết già trên tòa sen tại đỉnh núi đá nổi giữ đại dương, tay trái cầm búp sen, tay phải kiết ấn Thí vô úy, trong lòng bàn tay chảy xuống một dòng nước có hình mặt trăng hoặc tay đưa xuống có dòng nước tuôn ra. Đức Quán Âm được họa trong Phật tượng đồ vựng mang hình tướng đứng trên cánh sen, nổi trên biển lớn, nhìn ngắm dòng nước. Tượng trong Phật tượng sao[Đồ tượng sao, quyển 7 – Thủy Nguyệt Quán Âm] miêu tả ngồi trên đá trong biển lớn, chân trái duỗi xuống, đầu gối chân phải vắt chéo lên trên , mặt hơi ngước lên, thể hiện tướng tư duy. Đây là 2 hình tượng tiêu biểu của ứng hóa thân này.
- Nhất Diệp Quán Âm: là tượng Quán Âm ngồi trên một lá sen nổi trên mặt nước. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn; “Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, liền được đến chỗ cạn”. hình tượng được hội họa trong Phật tượng đồ vựng cho thấy Ngài ngồi trên chiếc lá, đâu gối trái dựng thẳng, tay phải duỗi xuống đỡ thân hình, mắt nhìn xa xăm trên dòng nước, thể hiện tướng trầm tư suy tưởng đến những nơi tối tăm không ánh sáng (địa ngục).
- Thanh Cảnh Quán Âm: có thuyết gọi là Quán Âm Thanh đỉnh. Thanh Cảnh (nìla-kantha), tức một trong những tên gọi của thần Thấp-bà (s’iva), có các vị thần muốn tìm lấy Cam Lộ nên khuấy động nhũ hải, nhưng phát hiện trong biển có lọ thuốc độc, Quán Thế Âm Bồ tát vì sợ thuốc độc hại chúng sanh, mới phát tâm đại từ bi uống hết lọ thuốc độc, vì vậy mà cổ Ngài biến thành màu xanh. Hình tượng đặc trưng của Ngài là tay trái cầm hoa sen, lòng bàn tay phải hướng lên trên, ngồi kết già trên bệ đá.
- Uy Đức Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát có đầy đủ uy đức để chiết phục và hộ trì chúng sanh. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn: “Người đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà vì đó thuyết pháp”. Thiên Đại Tướng Quân có đầy đủ uy đức nên được gọi là Uy Đức Quán Âm. Hình tượng của Ngài được hội họa trong Phật tượng đồ vựng, quyển 2, là tay trái cầm chày kim cang (vajira) thể hiện uy lực để chiết phục tâm cang cường của chúng sanh, tay phải cầm hoa sen ngồi trên tảng đá.
- Diên Mạng Quán Âm: là đức Quán Âm mang lý tưởng kéo dài mạng sống và trường thọ cho chúng sanh. Phẩm Phổ Môn chép: “Nguyền rủa các thuốc độc, muốn hại đến thân đó, do sức niệm Quán Âm, trở hại nơi bổn nhơn”. Do có năng lưc trừ được tác hại của lời nguyền rủa và thuốc độc thêm tuổi thọ nên ngài có danh hiệu này. Hình tượng của Ngài trên đỉnh đầu mũ báu lớn, tướng tốt từ bi nhu hòa, nguyệt luân hình hoa sen sáng soi trùm khắp, thân đeo chuỗi ngọc, tóc đẹp và mặc thiên y trang nghiêm, hai mươi cánh tay để dìu dắt và cứu hộ chúng sanh là nét đặc trưng của tượng này.
- Chúng Bảo Quán Âm: là Đức Quán Âm mang thân trưởng giả, hình tượng Quán Âm Bồ tát tay cầm vàng bạc vật báu. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn; “Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh vì tìm cầu các vật báu như vàng bạc, lưu ly, mã não, san hô, hổ phách, trân châu... đi vào trong biển lớn. Giả sử bị gió dữ thổi thuyền buồm người ấy trôi dạt nơi nước quỷ la-sát, trong ấy nếu có một người xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì những người ấy điều được giải thoát khỏi nạn quỷ la-sát”. Hình tượng Ngài ngồi trên tảng đá, chân phải duỗi thẳng, đầu gối trái sựng thẳng, tay phải thỏng chạm đất, hình tướng này của Quán Thế Âm Bồ tát biểu hiện sự an ổn.
- Nham Hộ Quán Âm: là hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát ngồi đoan nghiêm trong hang đá. Phẩm Phổ môn có đoạn: "Rắn độc cùng bò cạp, hơi độc khói lửa đốt, do sức niệm Quán Âm, theo tiếng tự bỏ đi". Thường trong hang động có nhiều loài rắn và trùng độc, là chỗ có nhiều nguy hiểm đối với những người qua núi, Quán Thế Âm thị hiện ra thì mọi nguy hiểm đều tiêu tan hết. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát ngồi tĩnh tọa đoan nghiêm nơi hang đá, trong hang hiểm tối tăm hiện ra ánh sáng để cứu độ và hộ trì chúng sanh.
- Năng Tĩnh Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát cứu tế, thủ hộ những người gặp nạn khiến họ được được an ổn. Trong phẩm Phổ môn ghi rằng; “Người trôi dạt biển lớn các nạn biển cá rồng, sức niệm Quán Âm kia, sóng ngòi chẳng chìm đặng”. Là nói đến Quán Thế Âm Bồ tát thủ hộ người dân trên biển. Hình tượng ngồi trên tảng đá bên bờ biển, hai tay đặt trên mỏm đá của Ngài biểu hiện tướng vắng lặng.
- A Nậu Quán Âm (Anu): là đức Quán Thế Âm Bồ tát ngồi đoan nghiêm trên bệ đá ngắm nhìn biển lớn. Thệ nguyện của Ngài trong phẩm Phổ Môn: “Ông nghe hạnh Quán Âm, khéo ứng các nơi chỗ, thệ rộng sâu như biển, nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn”. Hình tượng của Ngài đầu búi tóc thiên kế, mặc Thiên y màu vàng, tay trái cầm mảnh y trước bụng, tay phải thả trên gối phải, mắt nhìn đại hải, hạnh nguyện của Ngài xua tan những hiểm nạn trên biển làm cho tất cả định tĩnh không còn tai ương.
- A-ma-đề Quán Âm (Abhettì): Còn có tên gọi khác là Quan Âm A-ma-lai, Quán Âm Vô úy, Quán Âm Khoang quảng. Nghi quỹ ghi: “Mặc dù phạm năm trọng tội vô gián, nhưng tinh tấn trong hai ngày hai đêm chuyên cần tụng niệm thì liền được thấy tôn tướng của Bồ Tát, huống gì người vốn thanh tịnh, cho đến các nguyện đầy đủ, mọi người kính mến, được túc mệnh trí, chứng thập địa, tam muội hiện tiền”. Mọi người tin rằng, Ngài sẽ vào địa ngục cứu độ chúng sinh, giải thoát khổ não, cho nên biết được vị Bồ Tát này có sức úy thần rất lớn. Hình tượng của Ngài mang màu sắc trắng, có ba mắt bốn tay, cưỡi sư tử trắng, tướng tốt trang nghiêm. Hai tay trái phải cầm đàn không hầu chim phượng ba đầu, tay trái thứ hai cầm ma-yết (makara, cá kình), tay thứ hai bên phải cầm chim cát tường màu trắng, co chân trái đặt trên đỉnh đầu sư tử, chân phải buông xuống, quanh thân có hào quang, khắp thiên y chuỗi ngọc, diện mạo tròn đầy vẻ từ bi.
- Diệp Y Quán Âm (Parana-s’varì): là đức Quán Âm mặc áo lá sen, phối với mé phí đông Mạn-đồ-la Thai tạng giới, mật hiệu là Dị hành kim cương. Theo Kinh Diệp y Quán tự tại Bồ Tát thì hình tượng Ngài hiện thân Thiên nữ, đội mũ báu, trên mũ an trí Phật Vô lượng thọ. Dùng chuỗi ngọc và vòng xuyến trang sức, quần lửa vây quanh, toàn thân tỏa sáng. Tượng gồm có bốn tay, tay phải để trước ngực, cầm quả cát tường; tay thứ hai kết ấn Thí nguyện; tay trái thứ nhất cầm búa, tay thứ hai nắm quyển sách, ngồi trên hoa sen. Khi mọi người tôn Bồ Tát này làm bổn tôn, không những cầu nguyện để tiêu trừ bệnh tật, dịch gia súc gia cầm, giặc cướp, lúa màu, côn trùng,… mà còn tu tập để cầu đảo không bệnh tật, sống trường thọ, gọi là pháp tu Quán Âm Diệp y. Diệp Y Quán Âm là vị Bồ tát của nông dân cầu nông cụ và cầu không bệnh dịch, tai nạn, trùng độc.
- Lưu Ly Quán Âm (Vaidùrya): còn gọi là Cao Vương Quán Âm. Theo kinh Cao Vương Quán Âm, vị Bồ Tát này cứu các khổ ách cho chúng sanh, khi lâm nạn ách bất chợt, nếu tụng kinh này một ngàn biến thì người mất sống lại. Tương truyền vào thời Bắc Ngụy (534-537), dũng sĩ Định Châu là Tôn Kính Đức làm thái thú trấn giữ biên cương, ông tạo tượng Quán Thế Âm Bồ tát để tôn thờ và lễ bái hằng ngày. Sau đó Sau bị Di Địch bắt xử cực hình. Ông nằm mộng thấy thầy Sa Môn dạy phải trì tụng một ngàn biến kinh, ba lần thay dao thì ba lần dao gãy, da thịt chẳng tổn hại, quan xử trảm thấy lạ nên cho miễn tội chết. Tôn Kính Đức quay về lễ bái tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, thì thấy trên dỉnh đầu tượng ba dấu vết chém vẫn còn. Trong giấc mộng Tôn Kính Đức được vị Sa-môn trao cho kinh này, gọi là Cao vương Quán Âm, còn gọi là kinh Diên mệnh thập cú Quán Âm, lưu hành rộng rãi ở nhân gian. Hình tượng của Ngài hai tay cầm bình lưu ly, đứng trên cánh sen với tư thế vân du giáo hóa vùng sông nước.
- Đa La Quán Âm (Tà-rà): còn một tên gọi nữa là “Đa-la tôn”. Còn gọi là Quán Âm cứu độ mẫu, an trí ở phương Tây mạ-đồ-la Thai tạng giới, mật hiệu là Hạnh nguyện kim cương, hoặc Bi sinh kim cương. Theo kinh nói: “Bồ Tát này vào tam muội phổ quang minh đa-la, dùng sức tam muội, từ đồng tử mắt phải trên khuôn mặt tròn của Ngài phóng ánh sáng lớn, theo luồng ánh sáng tuôn ra xuất hiện hình phụ nữ xinh đẹp, an trú ở tam muội diệu sắc thù thắng, trang nghiêm thân thể bằng các châu báu vô giá, sáng ngời sắc vàng ròng chiếu vào lưu ly báu, gọi là thành tựu điều tốt lành của mật ngôn thế gian và xuất thế gian, có khả năng trừ diệt khổ vô số khổ não chúng sanh, cũng có thể khiến chúng sanh hoan hỷ, biến nhập tự tính pháp giới của Chư Phật”. Ấn khế của Ngài dùng hai ngón định (ngón trỏ) và tuệ (ngón cái), hướng vào trong năm luân thành quyền, nâng hai ngón phong (ngón trỏ) lên như ngọn núi nhọn, lại thêm hai hư không luân (ngón cái), ấy gọi là Đà-la tôn ấn. Hình tượng Ngài màu trắng xanh, tướng trạng như người phụ nữ, mĩm cười, mặc áo trắng tinh, khi hiệp chưởng trong lòng bàn tay cầm hoa sen xanh; toàn thân tỏa hào quang tròn đầy, trên đầu có búi tóc như hình tượng của búi tóc Chư Thiên.
- Cáp Lợi Quán Âm: do Bồ Tát ngồi trong võ sò cho nên có tên gọi như thế. Nghiên cứu nguồn gốc của tượng này, xuất phát từ câu chuyện Đường Văn tông (809-840) thường ăn nghêu sò, dùng tay cạy võ sò nhưng không mở, vua bèn đốt hương cầu nguyện, bỗng nhiên hiện thành hình tượng vị đại sĩ. Đường Văn Tông mời thiền sư Duy Chính núi Chung Nam hỏi duyên cớ vì sao, thiền sư đáp: “vật này linh ấn là chỉ vì lòng tin của bệ hạ roohnj lớn:. Kinh dạy: “Đáng dùng thân nào được độ thoát, tức liền hiện thân ấy mà nói pháp cho họ”. Vua nói: “Đại sĩ xuất hiện, nhưng chưa nghe nói pháp”. Thiền sư nói: “Bệ hạ đã nhìn thấy việc này là bình thường hay phi thường? Bệ hạ có tin không?” Thiền sư nói: “Đã thuyết pháp cho bệ hạ rồi đó!” Vua rất lấy làm hoan hỷ, liền ban chiếu cho tất cả các chùa viện trong thiên hạ điều lập tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Đây là nguồn gốc của tượng Quán Âm Cáp Lợi.
- Lục Thời Quán Âm: là đức Bồ Tát từ sáng sớm đến tối mịt, ngày đêm thương xót thủ hộ chúng sinh. Theo Đại Đường Tây Vực ký, quyển 2, nói: Miền Bắc Ấn Độ trước đây, “lục thời là một ngày một đêm”, từ sáng đến tối một ngày được chia thành sáu thời; vả lại, một năm chia thành “tiệm nhiệt thời (mùa nóng nhanh), thịnh nhiệt thời (mùa nóng gắt), vũ thời (mùa mưa), mậu thời (mùa tốt tươi), tiệm hàn thời (mùa se lạnh), thịnh hàn thời (mùa cực lạnh)”, nên một năm cũng gọi là sáu thời. Do đó Quán Âm sáu thời được giải thích thành “Thường thị chúng sanh Quán Âm” (Quán Âm thường dõi mắt theo chúng sanh). Hình tượng lưu hành trong nhân gian thường thấy mang hình giáng đứng, tay cầm Phạn khiếp. Phạn khiếp này là sáu chữ chương cú Đà-la-ni (Án ma ni bát mê hum). Tụng Đà-la-ni này thì được thoát khỏi khổ đau của sáu đường, được sáu diệu môn, chứng sáu căn tương ứng.
- Phổ Bi Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát từ bi thương tất cả chúng sanh, khắp trong tam thiên đại thiên thế giới. “Người đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên được độ thoát, liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên mà vì đó nói pháp”. Vì lòng từ bi và uy đức của Ngài rất lớn phổ chiếu tất cả tam giới cho nên có tên gọi là Phổ Bi Quán Âm. Hình tượng của Ngài, hai tay nắm pháp y rũ xuống phía trước, đứng trên núi. Đại tự tại thiên (Mahes’vara-deva) sáng tạo muôn vật hiện tượng trong ba cõi, uy đức rất lớn, chiếu soi khắp tất cả nên có danh xưng như vậy.
- Mã Lang Phụ Quán Âm: Tức Quán Âm vợ chàng họ Mã, ý chỉ cho “Quán Âm phu nhân của Mã Lang”, là tín ngưỡng xuất hiện vào thời Trung Cổ ở Trung Quốc. Năm thứ 12, niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường (817), tại bến Kim Sa ở Quảng Tây có một mỹ nữ xinh đẹp, nhan sắc mỹ miều mà những người con trai đều tranh nhau cưới về làm vợ, nhưng nàng đưa ra điều kiện rằng; “trong một đêm nếu ai đọc thuộc làu được phẩm Phổ Môn sẽ lấy làm chồng”, đến tờ mờ sáng hôm sau có hai mươi tám người đọc tụng thông thuộc. Cô gái nói: “Tôi chỉ có một cái thân này thì làm sao có thể lấy chừng ấy người về làm chồng được”!. Rồi nàng yêu cầu thêm: “Ai có thể thuộc tụng kinh Kim cương trong một đêm thì chấp nhận cho cưới”. Nhưng có đến mười người đọc tụng thông thuộc, nên cô ấy bèn từ chối và hứa với mọi người rằng trong ba ngày mà ai có thể tụng thuộc kinh Pháp hoa thì nàng tổ chức đám cưới. và kết quả là chỉ có một mình người thanh niên họ Mã có khả năng thuộc làu kinh văn, nàng chấp nhận lời hứa và tổ chức cưới hỏi. Nhưng khi vào đến cổng nhà chàng họ Mã để cử hành nghi thức hôn lễ thì nàng đột nhiên ngã bệnh mà mất, thi thể nàng trở nên xinh đẹp lạ thường, thiên hạ ngạc nhiên chưa từng thấy. Trong khoảnh khắc thi thể bỗng trở nên thối rữa, rồi an táng ở Tịnh Ninh. Mấy ngày sau có một lão Tăng đến thăm hỏi nhà, khai quật mộ thì thấy chỉ còn lại xương cốt bằng vàng. Vị Tăng nói: “Đây là bậc Thánh, vì muốn giáo hóa mọi người mà ứng hiện”. Vừa nói dứt lời Ngài bay lên hư không mà biến mất.Hình tượng Quán Âm vợ chàng họ Mã tay phải cầm quyển Kinh Pháp Hoa, tay trái cầm xương người, hình dáng phụ nữ.
- Hiệp Chưởng Quán Âm (Vnjali): là hình tượng Quán thế Âm Bồ tát chắp tay cung kính lễ biểu thị tu thiện tích đức. Phẩm Phổ Môn nói: “Nếu có chúng sinh phần nhiều ham ưa dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì lìa dâm dục. Nếu người nhiều sân hận thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì lìa sân hận. Nếu người nhiều ngu si thương cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì lìa ngu si”. Kinh văn dạy chúng ta chắp tay lòng rỗng rang vô niệm thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ hiện hiện trong cảnh giới tam muội. Hình tượng Ngài mặc y trắng chắp tay hiệp chưởng là nét đặc trưng của tượng này.
- Nhất Như Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát cưỡi mây bay trong hư không chinh phục lôi điện sấm sét. Phẩm Phổ Môn ghi: “Mây sấm nổ sét đánh, tuông giá xối mưa xuống, do sức niệm Quán Âm, liền đặng tiêu tan cả”. Nhất như có nghĩa là bất nhị, bất dị; Bất Nhị Bất Dị là Chơn Như. Chơn Như là sự sự vô ngại biến mãn khắp pháp giới. Quán Âm diệu trí lực chính là pháp quán nhất như.
- Bất Nhị Quán Âm: là đức Quán Âm biểu tượng cho Bản tích bất nhị. Phẩm Phổ Môn có câu: “Người đáng dùng thân chấp kim cang Thần đặng độ thoát, liền hiện Chấp Kim Thần mà vì đó nói pháp”. Quán Thế Âm là vị thủ hộ cho Phật, cũng là ứng hóa thân của Phật, vì vừa là Bản địa môn, vừa là Thùy tích môn, đều chẳng phải hai nên gọi là Bất Nhị Quán Âm. Hình tượng Ngài hai tay chấp trì kim cang xử là nét đặc trưng của tượng này.
- Trì Liên Quán Âm: Là Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm hoa sen. Quán Thế Âm Bồ tát lấy hoa sen để biểu trưng cho bổn thệc của mình, dùng búp sen nở hoặc đóa sen nở làm vật cầm tay, cũng gọi là Liên Hoa thủ (Padmapàni). Lại lấy hoa sen làm đài, cho nên Ngài có nhân duyên dặc biệt với hoa sen. Hình thượng Quán Âm trì Liên đứng trên lá sen, hai tay nâng một cành hoa sen, đầu đội bảo quan, mặc thiên y, viên mãn trang nghiêm là nét đặc trưng của tượng này.
- Sái Thủy Quán Âm: Tôn tượng này là vị Bồ Tát tay trái cầm bình đựng nước, tay phải cầm tán tượng (cây gậy được sử dụng sau khi vẩy nước thơm gia trì của Mật giáo), đứng trên mặt đất vẩy nước. Phẩm Phổ Môn có câu: “Thể bi răng như sấm, ý từ diệu mây lành, như mưa pháp cam lộ, diệt trừ lửa phiền não”. Sái thủy là pháp tu vẩy một loại nước thơm, tụng niệm ấn chú, gia trì tịnh hóa. Lấy hương giới thanh tịnh của tính thể hòa hợp với nước từ bi thanh tịnh của tính thể, vẩy khắp tâm địa thanh tịnh của chúng sinh trong pháp giới là biểu thị ý nghĩa vẩy nước. Như vậy, dùng nước vẩy để khai mở Phật tính cho biết hết thảy chúng sinh chính là lời thệ nguyện của Bồ Tát Quán Âm Sái thủy.
Trên đây đã trình bày sơ lược về ba mươi ba đức Quán Âm, trong đó các tôn tượng Quán Âm Bạch y, Thanh Cảnh, A-nậu, A-ma-đề, Đa-la không phải là đức Quán Âm biến hóa của Ấn Độ, mà đại khái là loại hình tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ đời Đường về sau tại Trung Hoa.